Dự án hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2016-2020: Vì sao chậm được triển khai

07:02, 03/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trồng rừng gỗ lớn không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn; phòng chống lũ lụt, hạn hán. Tuy nhiên, việc trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.

TIN LIÊN QUAN

Theo dự án (DA) Hỗ trợ đầu tư vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020 thì sẽ trồng 507 ha rừng gỗ lớn, kinh phí gần 18 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 75 của Chính phủ trên 2,7 tỷ đồng và ngân sách tỉnh trên 15,2 tỷ đồng.

Để thực hiện DA, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 56/2017 về chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến nay, DA vẫn chưa được triển khai, do chưa có kinh phí!

Nhiều cây rừng trồng trên núi Thiên Ấn có tuổi đời gần 20 năm.
Nhiều cây rừng trồng trên núi Thiên Ấn có tuổi đời gần 20 năm.


Theo quy trình, DA phải được UBND tỉnh phê duyệt, trước khi trình HĐND tỉnh xem xét bổ sung danh mục giao vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016- 2020. “Tuy nhiên, HĐND tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung danh mục giao vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 – 2020 giữa kỳ. Trong khi đến thời điểm này, DA vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt, nên việc bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn là khó khả thi. Vì vậy, DA có nguy cơ không thực hiện được”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết.

“Sở NN&PTNT tỉnh khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, Sở KH&ĐT thống nhất trình tự, thủ tục thực hiện DA. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT triển khai lập hồ sơ DA theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành, gửi Sở KH&ĐT trước ngày 18.1. Sở KH&ĐT nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định trước ngày 31.1”.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
NGUYỄN TĂNG BÍNH

Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai DA. Theo đó, trước khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 56, Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh xây dựng DA hỗ trợ đầu tư, quy mô đến năm 2020 trồng và chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn đạt 500ha, trên địa bàn 10 huyện. Đến ngày 12.1.2017, Sở NN&PTNT có Tờ trình số 83 đề nghị Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư DA.

Tuy nhiên, theo Công văn phúc đáp số 282, ngày 3.3.2017 của Sở KH&ĐT, thì DA chưa đủ cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư công và DA cũng không có trong danh mục các DA được UBND tỉnh giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 – 2020.

Vì vậy, ngày 28.3.2017, Sở NN&PTNT có Tờ trình 831, trình UBND tỉnh về việc đề nghị bổ sung danh mục DA giao vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 – 2020. Theo Công văn số 2801, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT, Sở Tài chính tham mưu theo đề nghị của Sở NN&PTNT tại Tờ trình số 831, hoàn thành chậm nhất ngày 25.5.2017. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, ngày 14.5.2018, Sở NN&PTNT tiếp tục có Công văn số 1426 về việc đề nghị UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh xem xét bổ sung danh mục DA giao vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016- 2020.

Ngoài ra, Công văn 2681 ngày 15.5.2018 của UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT “Lập kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn của tỉnh; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020...”. Chính sự bất nhất giữa các sở, ban, ngành trong quá trình thực hiện các thủ tục khiến DA kéo dài từ cuối năm 2017 đến đầu tháng 1.2019, nhưng vẫn chưa được phê duyệt để triển khai. Trong khi đó, thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 56/HĐND tỉnh lại kết thúc vào cuối năm 2020.

   MỸ HOA
 


.