(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển HTX, tổ hợp tác không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mà còn thực hiện tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, chật vật trong tìm kiếm và huy động nguồn vốn để hoạt động.
Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh từng có 5 HTX dịch vụ nông nghiệp ở 5 thôn, với 37 người tham gia trong Ban Quản lý HTX. “Bộ máy” lớn, nhưng hoạt động lại kém hiệu quả, nên tháng 5.2016, 5 HTX hợp nhất thành HTXNN Tịnh Thọ, quy mô toàn xã, với trên 2.500 thành viên, tổng vốn điều lệ hơn 8 tỷ đồng. Bên cạnh việc cung ứng các dịch vụ truyền thống, như thủy nông nội đồng, tín dụng nội bộ, cung ứng vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp...
HTXNN Tịnh Thọ còn tiên phong sản xuất trên 6ha cây khoai lang, theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX- nông dân. Theo đó, HTX đảm nhận vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp và 43 hộ thành viên, chịu trách nhiệm cung ứng giống, vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Mô hình hiệu quả, UBND huyện Sơn Tịnh hỗ trợ HTXNN Tịnh Thọ xây dựng trại sản xuất, nhà chế biến với diện tích khoảng 170m2.
Nhiều mô hình chăn nuôi của các tổ hợp tác đạt hiệu quả kinh tế cao, nhưng khó mở rộng quy mô vì thiếu vốn. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi heo ky của tổ hợp tác ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh). |
Bên cạnh đó, HTXNN Tịnh Thọ còn thực hiện mô hình trồng và quản lý 63ha cây keo, tham gia Dự án hỗ trợ trồng rừng và sản xuất rừng bền vững... Nhờ vậy, từ một HTX “thu không đủ chi”, đến năm 2018, doanh thu của HTXNN Tịnh Thọ ước đạt trên 6 tỷ đồng, góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng thu nhập cho hộ thành viên.
Không những thế, từ một HTX yếu kém, nhưng sau 3 năm, HTXNN Tịnh Thọ trở thành đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trong số 20 HTXNN thực hiện hợp nhất và chuyển đổi trên địa bàn tỉnh và là HTX đủ điều kiện tham gia Đề án xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.
Tuy nhiên, không có nhiều tổ hợp tác, HTX sau khi hợp nhất, sáp nhập gặt hái được thành công như HTXNN Tịnh Thọ, vì hạn chế nguồn nhân lực cũng như nguồn vốn. Vì vậy, quy mô hoạt động và cung ứng các dịch vụ của một số HTX cũng mang tính cầm chừng, chưa tạo đột phá.
Mặc dù, Nhà nước và tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ các HTX vay vốn, nhưng số lượng HTX tiếp cận được nguồn vốn vay chưa nhiều, do chưa đáp ứng về tài sản thế chấp, dự án phát triển sản xuất không khả thi... Trong khi đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được xem là kênh tín dụng quan trọng của các HTX, nhưng thời gian qua, hoạt động của Quỹ lại chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Nguyên nhân là do Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thiếu cơ sở pháp lý đối với việc thành lập và tổ chức hoạt động. Bởi, Luật HTX 2012 chỉ quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tiếp cận vốn và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đối với HTX, liên hiệp HTX. Ngoài ra, không quy định rõ mô hình tổ chức và mối quan hệ giữa Quỹ trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, quy mô nguồn vốn của Quỹ còn nhỏ lẻ, do phụ thuộc vào ngân sách nhà nước cấp, chưa huy động được các nguồn lực thị trường...
“Điểm nghẽn là nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX phụ thuộc vào ngân sách. Vì vậy, cần phải huy động nguồn lực ngoài ngân sách, đồng thời cho vay vốn có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm chủ lực”, Giám đốc HTXNN Tịnh Thọ Nguyễn Văn Hoàng, đề xuất.
Bên cạnh đó, ngoài đối tượng là các HTX, liên minh HTX, nên áp dụng chính sách ưu đãi và bảo lãnh tín dụng đối với các tổ hợp tác. Bởi, đây cũng là đối tượng thuộc lĩnh vực kinh tế tập thể đang hoạt động hiệu quả, nên rất cần được hỗ trợ về vốn.
Bài, ảnh: MỸ HOA