Người đưa rau rừng vào siêu thị

08:01, 10/01/2019
.

 

(Báo Quảng Ngãi)- Là một cán bộ lãnh đạo huyện, nhưng tuần nào ông cũng tranh thủ thời gian xuống đồng, vào chuồng gà, đến nơi đóng gói sản phẩm cùng nông dân để góp phần đưa những sản phẩm của núi rừng Sơn Hà vào bày bán ở các siêu thị lớn trong cả nước. Đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long.

TIN LIÊN QUAN

Đến nay, sau 10 tháng “chạy" marketing đưa đặc sản núi rừng của Sơn Hà vào các siêu thị, ông Long đã góp sức cùng người dân mang về doanh thu cho địa phương hơn 2 tỷ đồng.

Xuống đồng cùng nông dân

Huyện miền núi Sơn Hà được bao bọc giữa bốn bề rừng núi và sông suối, nên có rất nhiều loại rau rừng, đất đai màu mỡ phù hợp để canh tác rau xanh. Song, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp, các loại rau rừng lâu nay chỉ được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày của người dân, ít được đưa ra mua bán.

Ông Phùng Tô Long (thứ 3 từ trái sang) và lãnh đạo huyện Sơn Hà giới thiệu sản phẩm của địa phương đến với người tiêu dùng tại siêu thị.
Ông Phùng Tô Long (thứ 3 từ trái sang) và lãnh đạo huyện Sơn Hà giới thiệu sản phẩm của địa phương đến với người tiêu dùng tại siêu thị.

Với quyết tâm nâng tầm các loại rau rừng thành sản phẩm hàng hóa, nhằm giúp người dân địa phương thoát nghèo bền vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long đã tìm hiểu nhu cầu của thị trường, rồi âm thầm xuống các khu dân cư gặp người dân để thuyết phục họ tham gia trồng rau sạch, nuôi gà sạch, chăm sóc, bảo vệ rau rừng... để bán cho các siêu thị. Những tưởng việc thuyết phục người dân sẽ dễ dàng, nhưng ngay lần gặp dân đầu tiên ông Long đã nhận “trái đắng” khi những hộ mà ông gặp đã từ chối hợp tác.

“Ban đầu đi vận động rất khó khăn, vì người dân sợ làm không hiệu quả. Tôi lấy danh dự của mình ra cam kết, vận động, thuyết phục. Có người còn bảo tôi này nọ, đã lên đến cái chức Phó Chủ tịch UBND huyện rồi mà còn ham hố trồng rau, nuôi gà, trong khi công việc ở cơ quan liệu có làm xong. Nghe lời đàm tiếu tôi cũng buồn, nhưng nghĩ mình làm lãnh đạo nhìn ra thời cơ để người dân thoát nghèo, mà không giúp thì liệu có xứng đáng, nên tôi càng quyết tâm hơn”, ông Long tâm sự.
 

 “Đây là bài học để các địa phương khác học hỏi và thực hiện. Mỗi đồng chí lãnh đạo các huyện, xã trên địa bàn tỉnh cần gần dân hơn để tạo ra các mô hình, sản phẩm nông nghiệp có giá trị để người dân có nguồn thu bằng chính những sản phẩm đang có như cách làm của huyện Sơn Hà, thì công tác giảm nghèo sẽ rất hiệu quả”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TĂNG BÍNH


Sự nhiệt huyết, tận tâm và kiên trì của ông Long đã làm xuôi lòng nhiều nông dân. Rồi sau đó, ông cùng cán bộ Trạm Khuyến nông, Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn người dân thực hiện thí điểm các mô hình. Ông Long bảo, khi người dân đã chấp nhận và mình là người khởi xướng thì phải làm cùng người dân để họ tin tưởng và an tâm. Hình ảnh Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cuối tuần rong ruổi trên những cánh đồng trồng rau ven sông Rin, đến nhà các hộ dân nuôi gà, tìm đến các hộ dân đi hái rau rừng để chỉ dẫn họ cách bảo quản rau sau khi hái trên rừng về sao cho sạch sẽ, tươi ráo... đã trở nên quen thuộc với người dân huyện vùng cao này.

Đưa "đặc sản núi rừng" vào siêu thị

Không chỉ đồng hành cùng nông dân sản xuất, ông Long còn nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa, phương thức đóng gói sao cho bắt mắt. Những email, những cuộc điện thoại, tin nhắn được ông Long gửi đến lãnh đạo các siêu thị, cửa hàng thực phẩm trong cả nước. Mỗi email gửi đi là sự khắc khoải chờ đợi hồi đáp, thậm chí trong giấc mơ còn giật mình...

 Người tiêu dùng Đà Nẵng thích thú với các sản phẩm sạch từ  huyện Sơn Hà được bày bán trong siêu thị.
Người tiêu dùng Đà Nẵng thích thú với các sản phẩm sạch từ huyện Sơn Hà được bày bán trong siêu thị.

“Một hôm, hộp thư email của tôi có thông báo thư mời: Tập đoàn Central Việt Nam (BigC Việt Nam) đồng ý tiêu thụ sản phẩm. Tôi đọc xong thư mà mừng không thể tả được. Tôi điện thoại cho họ và sau những đợt làm việc, nhất là tại Hội nghị ký kết cung cầu do UBND tỉnh tổ chức vào tháng 9.2017, BigC Việt Nam chính thức ký kết tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hoá cho nông dân Sơn Hà. Từ đây hành trình đưa sản phẩm nông nghiệp của Sơn Hà vào siêu thị đã trở thành hiện thực”, ông Long phấn khởi.
 
Trong số 20 siêu thị đặt hàng bao tiêu sản phẩm do nông dân huyện Sơn Hà sản xuất, ngoài các siêu thị ở miền Trung, đến nay những bó rau rừng cũng đã có mặt tại một số siêu thị ở các tỉnh thành miền Tây. Thậm chí, ngay tại thủ phủ rau Đà Lạt, siêu thị Big C Đà Lạt cũng dành một dãy kệ riêng ngay tại vào để bán các sản phẩm của rừng núi  Sơn Hà. Trung bình mỗi tuần Big C Đà Lạt tiêu thụ khoảng 50kg dưa leo, 40kg khổ qua và hàng chục ký rau rừng các loại.
Từ một siêu thị ban đầu nhận tiêu thụ sản phẩm, dần dà qua lời mời gọi và hàng hóa gửi bán tại các siêu thị được người tiêu dùng ưa chuộng, nên một loạt siêu thị khác tìm đến đặt hàng. Khi cầu tăng cao và yêu cầu chất lượng khắt khe hơn, ông Long lại vào rừng cùng người dân tìm hiểu, mở rộng vùng nguyên liệu; chỉ cho người dân cách thu hoạch hợp lý để khai thác lâu dài, bền vững.

Thành công bước đầu của ông Long và cộng sự là những bó rau rừng, những con “gà đi bộ” từ núi rừng Sơn Hà được bày bán ở các siêu thị tận TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Đến nay, nhóm hộ tham gia sản xuất nông nghiệp sạch để vào siêu thị đã lên đến gần 100 người.

Anh Lê Trường Hận, ở xã Sơn Trung, nuôi gà kiến quy mô lớn nhưng gặp khó khăn đầu ra và thất bại, nên khi nghe ông Long “rủ rê” nuôi lại gà với quy mô lớn thì anh Hận thẳng thừng từ chối. “Những năm trước thất bại liên miên nên nản lắm, anh Long đến vận động tôi nghĩ chắc ổng nói chơi.
 
Nhưng anh Long thuyết phục và mấy anh cán bộ nông nghiệp nhiệt tình, nên tôi quyết định “làm liều”. Được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà nhanh lớn, đầu ra ổn định nên đến nay tôi đã trả hết nợ. Sắp tới tôi sẽ nâng đàn gà lên hơn một nghìn con”, anh Hận tâm sự.

Không chỉ giúp đỡ người dân bằng các chương trình, chính sách, mà nhiều hộ dân có quyết tâm làm nhưng thiếu vốn, ông Long cũng sẵn sàng bỏ tiền túi ra cho mượn để làm ăn. Nhiều hộ không dám đầu tư vì sợ thất bại bởi đầu ra khó khăn, thì ông Long đề nghị góp vốn để cùng hợp tác nhằm tạo sự tin tưởng. Đối với hộ có nhu cầu vốn làm ăn lớn, ông Long đứng ra làm cầu nối giữa hộ dân với ngân hàng.

 

Sơn Hà hiện là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh đưa được 8 sản phẩm nông sản vào chuỗi hệ thống 20 siêu thị trong cả nước.
Sơn Hà hiện là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh đưa được 8 sản phẩm nông sản vào chuỗi hệ thống 20 siêu thị trong cả nước.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay huyện Sơn Hà đã có 8 đặc sản gồm: Khổ qua rừng, bồ ngót rừng, rau dớn, ớt xiêm tươi, ớt xiêm giấm, bắp chuối rừng tươi, hạt chuối trái sấy, gà kiến có mặt tại 20 siêu thị BigC ở miền Trung và miền Nam. Tới đây sẽ có thêm 2 sản phẩm khác là khoai lang Nhật Bản và khổ qua cũng sẽ được các siêu thị bao tiêu. Thời gian tới, huyện Sơn Hà sẽ tăng cường phát triển các tổ hợp tác thành các HTX, nhằm tạo cầu nối cho các nhóm hộ cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Là người có công “mở đường”, mang những “đặc sản thiên nhiên” ở núi rừng Sơn Hà vào siêu thị, nhưng ông Long bảo việc mình làm cũng chỉ vì muốn người dân thoát được nghèo khó, vươn lên làm giàu. “Đấy là trách nhiệm của mình với người dân, chứ không có gì to tát cả”, ông Long nói.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.