Xây dựng "nghề cá có trách nhiệm"

03:12, 13/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, phần lớn ngư dân có tư tưởng "biển cả, cá tôm trên biển là của chung". Với cách nghĩ ấy, nên nhiều người đã đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt, có trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác...  Vì thế, việc xây dựng "nghề cá có trách nhiệm" là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Việc Ủy ban Châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, mà còn tác động lớn đến ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản. Cùng với ngư dân cả nước, ngư dân Quảng Ngãi cũng đang nỗ lực xây dựng nghề cá có quản lý, nhằm khai thác và phát triển ngành kinh tế biển bền vững.

 Ngư dân đã chấp hành tốt việc khai báo thủ tục trước khi ra khơi đánh bắt hải sản.
Ngư dân đã chấp hành tốt việc khai báo thủ tục trước khi ra khơi đánh bắt hải sản.


"Những năm trước, đánh bắt chừng chục ngày là tàu đầy cá. Còn bây giờ, đi biển gần cả tháng trời mà cá chỉ có một nửa. Chuyến vừa rồi đi 25 ngày mà chỉ được 7-8 tấn cá. Bây giờ tàu thuyền đông quá nên cá ít dần", ngư dân Lê Văn Đầy, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ. Còn ngư dân Lê Hữu Thành, ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) thì cho hay: Cách đây 5 - 7 năm, ra biển ít ngày là có thể vào bờ để bán cá. Lúc đó chỉ bắt cá lớn, còn bây giờ, cả cá nhỏ cũng không có luôn. Hiếm hoi mới có chuyến biển có lợi nhuận cao.  

“Để xây dựng nghề cá phát triển bền vững, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân nhận thức được trách nhiệm khi hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Mục tiêu của công tác này không chỉ khôi phục lại thị trường xuất khẩu, mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, khai thác hải sản bền vững, thúc đẩy ngành kinh tế biển phát triển”.


Phó Chủ tịch Thường trực  UBND tỉnh
NGUYỄN TĂNG BÍNH

Dù được quan tâm, nhưng hoạt động nghề cá ở tỉnh ta cũng chậm phát triển, tàu công suất nhỏ, trang thiết bị lạc hậu còn chiếm tỷ lệ lớn; các nghề lưới kéo, lưới rê, lưới vây chiếm tỷ trọng cao trong số các nghề hoạt động trên biển.

Để cùng với ngư dân cả nước góp phần “gỡ” thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu, ngư dân Quảng Ngãi đang hướng đến phát triển nghề cá bền vững. Nhiều phương pháp, kỹ thuật đánh bắt mới được phổ biến đến ngư dân, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, giúp ngư dân ý thức hơn khi hành nghề trên biển. Ngư dân Nguyễn Văn Ba, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cho hay: "Những năm gần đây chúng tôi đã sử dụng lưới thưa để đánh bắt cá lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là cách khai thác hải sản bền vững".

Không chỉ vậy, nhận thức của ngư dân trong việc chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cũng đã được nâng lên rõ rệt. Những buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân được tổ chức thường xuyên đã giúp cho các chủ tàu, lao động nghề cá hiểu được tác hại của việc xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp.

Ngư dân Võ Văn Thân, ở xã An Vĩnh (Lý Sơn) bày tỏ: "Mình mà vi phạm vùng biển các nước thì sản phẩm khai thác được cũng khó bán được, vì các doanh nghiệp thu mua hiện nay đều yêu cầu thủy sản có nguồn gốc rõ ràng".

Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho biết: Từ cuối năm 2017 đến nay, không có tàu cá nào của ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Kết quả này là nỗ lực không chỉ của các cơ quan chức năng, mà còn thể hiện nhận thức về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp của ngư dân trong tỉnh đã được nâng lên, hướng đến xây dựng “nghề cá có trách nhiệm”.


Bài, ảnh: BẢO LỘC




 


.