(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ tạo cú huých cho ngành nông nghiệp, mà sau 10 năm thực hiện (2008-2017), Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) còn khích lệ nông dân trên địa bàn tỉnh đổi mới cách nghĩ, cách làm trong sản xuất; thể hiện vai trò chủ thể trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đổi mới tư duy
Tổng các nguồn lực huy động đầu tư vào “tam nông” trên địa bàn tỉnh ước trên 13 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động trong các thành phần kinh tế khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Để có được lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm, anh Võ Minh Tuấn, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), người đầu tiên trong tỉnh thực hiện tích tụ đất, xây dựng cánh đồng lớn, với diện tích 22ha phải vượt qua rất nhiều rào cản. Bởi lẽ, với diện tích 22ha, anh Tuấn phải loay hoay trong việc lựa chọn đối tượng cây trồng, phương thức sản xuất để đảm bảo hiệu quả tối ưu.
Ứng dụng cơ giới hóa vào trồng mía giúp nâng cao năng suất và chất lượng mía. |
Năm 2014, anh Tuấn tiếp cận các chính sách hỗ trợ vốn, tư vấn kỹ thuật và quy trình trồng mía theo hướng ứng dụng cơ giới hóa của Nhà máy đường Phổ Phong. “Ngày trước, tôi trồng mía thủ công, nên không chỉ tốn thời gian và chi phí, mà năng suất mía cũng chỉ đạt 50-55 tấn/ha. Nhưng khi trồng mía trên cánh đồng lớn, các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đều do máy móc thực hiện, nên chất lượng chữ đường và năng suất tăng gấp đôi. Tôi cũng khỏi lo chuyện thiếu lao động thu hoạch”, anh Tuấn cho biết.
Từ thành công của anh Tuấn, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng mạnh dạn thuê và tích tụ đất để xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa, với 180 cánh đồng lớn, diện tích gần 3.000ha.
Khẳng định vai trò chủ thể
“Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn và nông dân ra đời, cộng với việc ban hành đồng bộ các chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã làm thay đổi tư duy, nhận thức sản xuất của hàng chục nghìn nông dân trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, hiệu quả sản xuất và thu nhập tăng cao, giúp nông dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đinh Duy Sung khẳng định.
Cùng với việc khích lệ nông dân chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, nghị quyết “tam nông” còn phát huy quyền làm chủ của nông dân, giúp nông dân nâng cao trình độ để tiếp cận và ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường. Chính vì vậy, vai trò, vị thế của nông dân ngày càng được khẳng định và nâng cao, thực sự xứng đáng là trung tâm, nòng cốt trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, đô thị văn minh.
“Thời gian đến, các sở, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Nghị quyết "tam nông"; triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, chuyển giao các tiến bộ công nghệ... để nông dân ứng dụng vào sản xuất, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính khẳng định.
Bài, ảnh: MỸ HOA