(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2018, Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng
Ngày 4.12.2018, Sở Công thương phối hợp với huyện Sơn Tịnh thực hiện mô hình điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, tại cửa hàng Chính Ơn, đội 10, thôn Tây, xã Tịnh Sơn. Đây sẽ là điểm phân phối hàng hóa sản xuất trong nước phong phú, đa dạng, giá cả hợp lý. Đồng thời, địa điểm này cũng là nơi tiếp nhận và triển khai thực hiện các chương trình bình ổn thị trường, giá cả trong các dịp tết Nguyên đán và khi thiên tai xảy ra.
Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại cửa hàng Chính Ơn, ở đội 10, thôn Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). |
Từ năm 2016 đến nay, Quảng Ngãi đã tổ chức thực hiện chương trình điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Kết quả đã triển khai tại các huyện Ba Tơ, Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Hà, thu hút người dân đến tham quan, mua sắm rất đông. Qua đó, góp phần quảng bá, tạo điều kiện để hàng hóa thiết yếu mang thương hiệu Việt và sản phẩm truyền thống, có tiềm năng tại địa phương đến tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, ổn định thị trường.
"Chính quyền các cấp cần làm hết trách nhiệm trong công tác bảo vệ nền sản xuất, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, loại trừ hàng hóa kém chất lượng lưu thông trên thị trường; củng cố niềm tin yêu hàng Việt ngày càng mạnh mẽ trong mỗi người dân". Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TĂNG BÍNH |
Khơi dậy tình yêu hàng Việt
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" triển khai tại Quảng Ngãi được 9 năm. Trong suốt thời gian ấy, cuộc vận động luôn được duy trì thực hiện với nhiều giải pháp sát thực, hướng đến mục tiêu là làm cho mỗi người dân trong tỉnh tin yêu, lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt. Tỉnh đã triển khai hiệu quả nhóm giải pháp lồng ghép, gồm: Bán hàng Việt khuyến mại; đưa hàng Việt đến vùng nông thôn, miền núi, hải đảo; tổ chức hội chợ, triển lãm hàng hóa nông sản; tổ chức hội nghị mang tầm khu vực kết nối tiêu thụ nông sản; bình ổn giá thị trường trong dịp lễ, Tết...
Năm 2018, Sở Công thương phối hợp với các DN, đặc biệt là DN kinh doanh bán lẻ tổ chức nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Ngoài việc cung ứng hàng hóa chất lượng, bán đúng giá, hoạt động này còn giúp người dân vùng sâu, vùng xa có cơ hội hiểu biết hơn về những sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Thực tế trong thời gian qua, có không ít người dân nông thôn, miền núi, lâu nay dù có tiền nhưng cũng chỉ mua được những mặt hàng không nhãn mác, chất lượng không đảm bảo. Nhưng kể từ ngày được tiếp cận hàng Việt tại các phiên chợ, điểm bán hàng Việt cố định, nhiều người dân đã có thói quen tiêu dùng hàng Việt.
Tại hội thảo bàn về giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính yêu cầu các đơn vị, địa phương phải đổi mới công tác tuyên truyền, khơi dậy tình yêu hàng Việt trong mỗi người dân. Khi đã tin yêu thực sự, họ sẽ tự nguyện mua sắm, tiêu dùng hàng Việt, góp phần giúp doanh nghiệp trong nước đứng vững trên thị trường nội địa. Về phía doanh nghiệp, cần đổi mới công tác quản lý, ứng dụng khoa học - công nghệ, không ngừng cải tiến chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Bài, ảnh: PV