(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện Sơn Hà đề ra trong năm 2018 đều đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có một số lĩnh vực đạt kết quả cao.
Năm 2018, tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản của huyện Sơn Hà ước thực hiện 680 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 102,65% kế hoạch. Giá trị thương mại - dịch vụ ước thực hiện 419 tỷ đồng, đạt 100,36% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 đạt 1.247 tỷ đồng, tăng 8,24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 85% kế hoạch năm.
Xây dựng kè sông Rin (thị trấn Di Lăng). |
Đến nay, UBND tỉnh đã thống nhất sử dụng tên địa danh “Sơn Hà” để chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm: Rượu cần Sơn Hà, gà kiến Sơn Hà, rau rừng Sơn Hà, heo Ky Sơn Hà, sâm cau Sơn Hà, ớt xiêm Sơn Hà. Bên cạnh đó, Sở KH&CN đã thống nhất đặt tên cho 2 sản phẩm của huyện là Gà Re Quảng Ngãi và Heo Kiềng sắt Quảng Ngãi.
Huyện Sơn Hà duy trì liên kết bao tiêu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm với Siêu thị Big C Miền Trung và các Siêu thị Big C phía Nam (20 siêu thị) gồm gà kiến, rau rừng và một số sản phẩm khác. Đến nay, sản lượng gà nhập cho Siêu thị Big C là 9.902kg, rau rừng các loại trên 13.000kg, tổng doanh thu gần 2 tỷ đồng.
Ước thu ngân sách trên địa bàn đạt 46,15 tỷ đồng, đạt 104,41% dự toán. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 1.11.2018 là 130 tỷ đồng, giải ngân đến tháng 11.2018 đạt khoảng 80%. Kết quả rà soát, đánh giá thực trạng các xã theo 19 tiêu chí nông thôn mới, huyện Sơn Hà đạt bình quân là 8,69 tiêu chí/xã, tăng 6 tiêu chí so với năm 2017.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Sơn Hà, thì công tác quản lý sử dụng quy hoạch và hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của các chương trình, dự án sau khi hỗ trợ đầu tư chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Việc giải ngân kế hoạch vốn một số chương trình, dự án trong năm còn chậm. Tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn cao...
Năm 2019, huyện Sơn Hà tập trung phấn đấu thực hiện tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế (giá so sánh năm 2010) đạt 2.247,14 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,47%/năm; hộ cận nghèo giảm 3 - 4%/năm.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015- 2020; tập trung đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi thích ứng với thị trường và có giá trị gia tăng cao. Phát triển ngành nông, lâm nghiệp theo hướng tập trung, phát triển ổn định các vùng sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả và cây dược liệu.
Đẩy mạnh thâm canh và áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới để tăng năng suất, sản lượng cây trồng trên địa bàn. Tập trung các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư. Phấn đấu đến năm 2020, thị trấn Di Lăng đạt một số tiêu chí của đô thị loại IV, giữ vai trò là trung tâm kinh tế - văn hóa vùng phía Tây của tỉnh.
Bài, ảnh: TẤN PHÁT