Kiểm soát thị trường giống cây trồng: Tránh thiệt thòi cho nông dân

02:12, 02/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, thị trường giống cây trồng trên địa bàn Quảng Ngãi trở nên sôi động. Nhiều loại cây trồng truyền thống, cây bản địa và các  giống cây trồng mới đua nhau tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thực trạng này đang rất cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh thiệt thòi cho nông dân.

Đua nhau quảng bá

Từ khi Quảng Ngãi triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng cho người nghèo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu giảm nghèo, hoạt động sản xuất, cung ứng giống cây trồng tại Quảng Ngãi phát triển ồ ạt.

Sản xuất, cung ứng cây cau giống tại Sơn Tân (Sơn Tây).
Sản xuất, cung ứng cây cau giống tại Sơn Tân (Sơn Tây).

 

Hiện tại, ngoài hàng chục doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, cung ứng giống cây trồng trong tỉnh, còn có nhiều DN ngoài tỉnh tổ chức tiếp thị sản phẩm lên các vùng cao, đặc biệt là các huyện miền núi vừa được UBND tỉnh phê duyệt dự án cây chuyên canh, gồm: Tây Trà, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Tây, Ba Tơ và Sơn Hà.

Với các DN trong tỉnh, gần như đã đoán định được nhu cầu về các loại cây này, họ đã mở rộng vườn ươm từ trước đó, tuyển chọn và nhân giống có nguồn gốc từ các vùng chuyên canh thực tế cho hiệu quả cao, như: Mít Thái Lan, cau ở Đồng bằng sông Cửu Long; quế ở Quảng Nam; chè ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ...

Với DN ngoài tỉnh, nhiều tháng qua, các nhân viên kỹ thuật đến tận các khu dân cư vùng cao, vùng sâu trực tiếp tư vấn, hướng dẫn người dân trồng bưởi, mít; đồng thời đưa cây giống về đây bán lẻ. Qua cách thức tuyên truyền "mưa dầm thấm lâu", các sản phẩm giống cây trồng của DN ngoài tỉnh đã bắt đầu "bén duyên" trên vùng cao Quảng Ngãi, với hàng chục nghìn cây giống đã được bán.

Cần kiểm soát chặt chẽ

Quy trình tiếp cận cung ứng giống cây trồng của các DN thường thông qua chính quyền bằng cách mời các phòng, ban và cán bộ chuyên trách đi tham quan các mô hình cây ăn quả ngoài tỉnh. Sau đó, sẵn sàng hỗ trợ thủ tục, kỹ thuật để triển khai dự án đến tận vườn rừng. Mục đích của DN là bán giống theo hợp đồng hỗ trợ giống cây trồng với chính quyền bằng nguồn vốn ngân sách.

Đối với loại cây mắc ca, ngoài việc tham quan, học tập mô hình, huyện Sơn Tây còn phối hợp với DN, ngân hàng tổ chức hẳn hội thảo, với sự tham dự của cả nhà khoa học nổi tiếng. Mục đích cũng để cung ứng giống, phát triển loại cây trồng này trên vùng đất Sơn Tây. Tuy nhiên, đến nay ngoài 2 hộ được huyện chọn triển khai thí điểm bằng tiền ngân sách và 1 hộ dân tự nguyện bỏ tiền đầu tư, thì cây mắc ca vẫn không được người dân nhân rộng.

Với cây sachi, mặc dù chưa chính thức triển khai mô hình, nhưng trước đó DN cũng đã tổ chức đưa cán bộ của một số huyện đi tham quan, học tập mô hình ở Nghệ An, Hòa Bình...

Tiếp cận với chính quyền và người dân, các DN đều đưa ra triển vọng từ việc cây trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, khi thu hoạch có đầu ra ổn định, giá bán cao vượt trội so với cây lúa, mía, mì, keo. Vì thế, thời gian gần đây, cây trồng trên địa bàn Quảng Ngãi xuất hiện đủ loại, trong đó có cả loại cây không phù hợp, không ít giống không nằm trong bộ giống cây trồng Việt Nam. Đây chính là vấn đề cần kiểm soát chặt chẽ, để tránh thiệt thòi cho nông dân và thiệt hại ngân sách, ảnh hưởng đến chính sách giảm nghèo tại địa phương.


Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.