Hội thảo tìm giải pháp phát triển thủy lợi và chuỗi giá trị lương thực cho cây mì

09:12, 19/12/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 19.12, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển thủy lợi và chuỗi giá trị lương thực cho cây sắn (cây mì).

TIN LIÊN QUAN

Ở Quảng Ngãi, trong những năm qua, cây mì đã đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các hộ trồng mì trong tỉnh nhờ giá cả tăng lên, thị trường tiêu thụ ổn định. Trên địa bàn tỉnh còn có một Nhà máy Nguyên liệu sinh học BIO- Ethanol và 3 nhà máy chế biến tinh bột mì hoạt động tương đối hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh.
 
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất mì trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế. Quảng Ngãi có tổng diện tích mì gần 17.000 ha với các giống chủ lực KM94, KM140, KM95. Tuy nhiên, chỉ một ít diện tích được trồng ở đồng bằng, còn lại chủ yếu trồng ở miền núi trên đất dốc, đất nghèo dinh dưỡng đã và đang bị xói mòn, thoái hóa nên ảnh hưởng nghiêm trọng nên năng suất và chất lượng tinh bột thấp. 
 
Cây mì ở Quảng Ngãi chủ yếu được trồng tập trung tại các huyện miền núi.
Cây mì ở Quảng Ngãi chủ yếu được trồng tập trung tại các huyện miền núi, đất dốc, đất nghèo dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng nên năng suất và chất lượng tinh bột thấp. 
 
Mặt khác, đa số nông dân thường quan niệm cây mì dễ trồng nên đầu tư thâm canh thấp, ít đầu tư phân bón, chưa chú trọng đến các biện pháp bảo vệ, duy trì dinh dưỡng đất, nhất là chế độ tưới cho cây mì. Diện tích trồng còn manh mún, nhỏ lẻ nên khó khăn trong việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ KHKT, đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất.
 
Tại hội thảo, các chuyên gia của Nhật Bản, lãnh đạo sở cũng đã giới thiệu đến đại biểu các tham luận "Quy hoạch phát triển cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và nhu cầu tưới, hiện trạng tưới cho cây mì"; “Tổng quan về mô hình tưới cho cây trồng cạn tại Nhật Bản”; “Tăng cường chuỗi giá trị sản xuất lương thực, tập trung cho tưới mì, mô hình tưới tại Quảng Ngãi”; “Ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây mì ở Việt Nam” và những bài học kinh nghiệm về mô hình tưới mì tại các tỉnh khác. 
 
Từ đó, Quảng Ngãi sẽ có những giải pháp cụ thể để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế từ cây mì trong thời gian đến, trong đó, tưới nước là một trong những biện pháp vô cùng quan trọng. Phấn đấu đến năm 2020, năng suất bình quân đạt 240 tạ/ha, sản lượng khoảng 432.000 tấn/ năm.
 
 
Tin, ảnh: Thiên Hậu
 

.