Chuyển đổi cơ cấu lao động ở vùng biển

05:12, 14/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vài năm trở lại đây, cơ cấu lao động ở vùng biển đã có sự chuyển dịch rất lớn, người dân không chỉ chuyên canh nghề biển, mà đã chuyển sang làm nhiều ngành, nghề khác để phát triển kinh tế gia đình.

“Lái taxi gần 1 năm rồi, nhưng đường sá cũng chưa rành, nên nhiều lần bị lạc, không đón được khách”, anh Vang, tài xế hãng Sun Taxi, quê xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) thổ lộ. Là “con trai một” trong gia đình có truyền thống bám biển Hoàng Sa, nên Vang được ba mẹ kỳ vọng sẽ là người “giữ gìn và duy trì” nghề biển.

Nhưng, sau một thời gian dài làm ngư phủ, Vang quyết định chuyển nghề, "lên bờ" học nghề lái xe. Sau hơn một năm lái xe taxi, đến nay Vang đã có thu nhập ổn định, dù không cao như nghề biển, nhưng bù lại anh có nhiều thời gian ở bên gia đình để chăm sóc ba mẹ.

 Tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển sẽ tác động tiêu cực đến các hoạt động của kinh tế thủy sản nói chung, dịch vụ hậu cần nghề cá nói riêng.
Tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển sẽ tác động tiêu cực đến các hoạt động của kinh tế thủy sản nói chung, dịch vụ hậu cần nghề cá nói riêng.


Còn anh Tân, ở xã An Vĩnh (Lý Sơn), cũng “thoát ly” nghề biển, trở thành tài xế lái xe tự do. Theo lời anh Tân, từ năm 17 tuổi, anh đã trở thành ngư phủ trên chính chiếc tàu do bố anh làm thuyền trưởng. Sau nhiều năm bám biển khai thác hải sản, anh Tân đã trở thành ngư phủ dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, thay vì kế thừa vị trí thuyền trưởng của bố, thì Tân lại chọn hướng đi riêng cho bản thân bằng cách mua xe ô tô để kinh doanh.

Không riêng gì anh Vang, anh Tân, nhiều lao động trẻ ở các xã ven biển cũng chuyển sang làm các ngành, nghề trên bờ. Vì vậy, lao động đi biển ngày càng khan hiếm, nếu tìm được, cũng chỉ là tạm thời, ít có người gắn bó lâu dài với chủ tàu như trước. “Bây giờ, tìm bạn đi biển còn khó hơn tìm luồng cá”, ngư dân Phạm Tấn Vân, ở xã Tịnh Kỳ ví von. Trước mỗi chuyến biển, các chủ tàu vừa phải lo chi phí nạp tổn, vừa phải ứng hàng trăm triệu đồng cho các lao động. Tuy nhiên, sau chuyến biển, nếu tàu “no”, chủ tàu còn có tiền để trừ nợ; ngược lại, chủ tàu phải ngậm ngùi gánh nợ, vì các lao động vừa trì hoãn việc trả nợ, vừa “nhảy” tàu.    

Theo các ngư dân lớn tuổi ở xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, khi hạ tầng ven biển dần hoàn thiện, như: Cầu Cửa Đại, tuyến đường Mỹ Trà – Mỹ Khê hoàn thành, các khu dân cư ven biển rầm rộ “mọc” lên... đã giúp diện mạo làng quê ven biển khởi sắc, cũng là lúc các ngư phủ trẻ tuổi bỏ biển, để lên bờ tìm kiếm cơ hội việc làm. “Nhiều ngôi làng ven biển đã thành “phố”, tôi không biết nên vui hay buồn. Chỉ biết rằng, khi ngư phủ bỏ biển, nghề truyền thống sẽ dần mai một, người dân làng biển cũng sẽ  “đánh mất” bản sắc trên chính mảnh đất của mình”,  một ngư dân thổ lộ.

Thực tế, những năm qua, Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, như: Quyết định 48 về hỗ trợ tiền dầu, Nghị định 67 (nay là Nghị định 17) để vay vốn nâng cấp, hoặc đóng mới tàu... nhưng nghề biển hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Đó là hạ tầng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá yếu kém; công nghệ khai thác, bảo quản chưa hiện đại; tập quán đánh bắt còn thủ công... nên giá trị kinh tế không cao. Vì vậy, đã đến lúc phải “tái cơ cấu” nghề biển theo hướng giảm số lượng, tăng công suất tàu; khuyến khích và hỗ trợ ngư dân trang bị các thiết bị khai thác tiên tiến, công nghệ bảo quản sản phẩm hiện đại, để tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập. Có như thế mới hấp dẫn ngư dân, đặc biệt là lực lượng trẻ yên tâm gắn bó với nghề biển.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.