(Báo Quảng Ngãi)- Từ nay đến năm 2021, mỗi năm huyện Sơn Tây sẽ xuống giống trên 100ha cây cau. Cau giống được huyện hỗ trợ, nhằm giúp người dân có điều kiện cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống; đồng thời xây dựng Sơn Tây trở thành vùng chuyên canh cây cau có quy mô lớn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thời điểm này, người dân huyện Sơn Tây bắt đầu xuống giống trồng vụ cau mới. Khác với những năm trước, năm nay hộ gia đình nào có nhu cầu cây giống đều được huyện hỗ trợ để trồng. Theo Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây, huyện hỗ trợ giống đến từng hộ gia đình trên địa bàn 9 xã.
Mỗi hộ được cấp cau giống tùy theo nhu cầu và một lượng phân bón thích hợp. Tổng số cây cau giống đã cấp là 210.000 cây, với diện tích trồng gần 84ha. Mục tiêu là giúp người dân khai thác lợi thế địa phương, phát triển kinh tế gia đình.
Người dân xã Sơn Long (Sơn Tây) nhận cau giống được huyện hỗ trợ về trồng. |
Đây là bước khởi đầu để huyện Sơn Tây thực hiện vùng chuyên canh cây cau có quy mô lớn. Tổng kinh phí thực hiện việc cấp cau giống cho người dân là 5 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ ít nhất 1.850 cây cau, tương ứng với diện tích trồng 0,74ha; hộ được cấp nhiều nhất là 15.000 cây, tương ứng 6ha. Hiện tại, toàn bộ số cau giống đã được trồng và tỷ lệ sống đạt hơn 95%. Số cau bị chết hiện đang được đơn vị cung ứng cau giống cấp lại để người dân trồng dặm kịp thời.
"Hiện nay, huyện đang kêu gọi DN đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế cau tại Sơn Tây, tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cau tươi cho người dân. Huyện sẽ hỗ trợ tối đa trong khả năng để DN thực hiện dự án; đồng thời tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xác lập, đăng ký thương hiệu, để khẳng định vị thế của sản phẩm cau Sơn Tây trên thị trường trong và ngoài nước".
|
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết: Việc chọn cây cau là cây chủ lực, xây dựng vùng chuyên canh cây cau trên địa bàn đã được lãnh đạo huyện cân nhắc kỹ lưỡng. Cau là cây trồng bản địa, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thói quen canh tác của người Ca Dong, cho thu nhập ổn định.
Khi cau được giá, mỗi hécta cau có thể thu được vài trăm triệu đồng/năm. Lúc giá cau xuống ở mức thấp là 1.000 đồng/kg, thì mỗi hécta cau vẫn thu được 20 - 25 triệu đồng/năm. Vòng đời của cau cho thu quả khoảng 5 năm, nên 1ha cau ít nhất vẫn thu được hơn 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng keo.
Mới đây, UBND tỉnh đã chấp thuận triển khai dự án vùng chuyên canh cây cau trên địa bàn huyện Sơn Tây. Theo đó, từ năm 2019-2021, huyện Sơn Tây sẽ được đầu tư 20 tỷ đồng để triển khai hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và thực hiện các biện pháp xúc tiến thương mại cần thiết, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho cây cau.
Với số kinh phí này, Sơn Tây sẽ trồng mới khoảng 830ha cau (bình quân hằng năm trồng mới khoảng 166ha) và đến năm 2025, hình thành vùng chuyên canh cây cau khoảng 2.000ha trên địa bàn 9 xã.
Điều băn khoăn nhất của huyện Sơn Tây là đầu ra cho sản phẩm. Từ trước đến nay, thị trường tiêu thụ cau chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc và việc tiêu thụ thông qua tư thương bằng con đường tiểu ngạch. Năm nào cũng vậy, giá cau luôn dao động, đầu vụ giá cao, chính vụ giá giảm và đôi khi vào cuối vụ cau giá lại thấp, tiêu thụ chậm.
Theo khảo sát, với 500ha cau ở huyện Sơn Tây thì mới đáp ứng một phần nhỏ lượng cau mà các thương lái cần thu mua xuất khẩu đi Trung Quốc. Vì thế, việc mở rộng diện tích cau là cần thiết. Tuy nhiên, huyện cũng cần tính toán cho bài toán đầu ra khi cây cau được trồng đại trà với diện tích 2.000ha, gấp 4 lần so với hiện tại.
Bài, ảnh: THANH NHỊ