Sản xuất công nghiệp ở Ba Tơ: Còn nhiều khó khăn

09:11, 12/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Huyện Ba Tơ có 2 cụm công nghiệp (CCN) hình thành từ nhiều năm nay, nhưng gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư. Nguyên nhân là do việc quy hoạch ban đầu có nhiều bất cập và thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Thu hút đầu tư hạn chế


Để tăng tốc phát triển kinh tế- xã hội, huyện Ba Tơ xác định, ngoài lĩnh vực nông - lâm nghiệp, huyện sẽ tập trung phát triển công nghiệp và đã thành lập CCN thị trấn Ba Tơ và Ba Động. Tuy nhiên, sau nhiều năm hình thành, việc thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào 2 CCN còn nhiều hạn chế. Tại CCN thị trấn Ba Tơ, với diện tích hơn 1,8ha, hiện chỉ có 2 DN hoạt động trong lĩnh vực trộn bê tông và cắt xẻ đá, nhưng chưa thực hiện tốt công tác xử lý ô nhiễm môi trường, nên gây nhiều bức xúc cho người dân sống cạnh CCN.

Doanh nghiệp Hoàng Lâm Phú phải tự đầu tư tuyến đường vào nhà máy sản xuất ở cụm công nghiệp Ba Động.
Doanh nghiệp Hoàng Lâm Phú phải tự đầu tư tuyến đường vào nhà máy sản xuất ở cụm công nghiệp Ba Động.


Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết: Dự kiến sắp tới huyện sẽ di dời trạm trộn bê tông ra khỏi CCN thị trấn Ba Tơ. DN này chủ động tìm vị trí xa khu dân cư để hoạt động. Trường hợp DN muốn vào CCN, thì huyện sẽ bố trí quỹ đất tại CCN Ba Động.

Còn CCN Ba Động được quy hoạch bài bản, với diện tích 25ha, nhưng cũng chỉ có 2 DN hoạt động trong lĩnh vực dăm gỗ. “Huyện đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho DN mở rộng dự án. Trước đây, huyện quy hoạch CCN này 75ha, nhưng UBND tỉnh chỉ đồng ý 25ha, nên thực tế trong vùng quy hoạch có 4 DN, nhưng có 2 DN là Hoàng Lâm Phú và Hoàng Phú Sơn nằm ngoài CCN Ba Động”, ông Nam cho hay.

Cần nguồn lực đầu tư

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam, để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhằm giải quyết việc làm cho lao động địa phương và tăng nguồn thu cho ngân sách huyện, thì việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng ở CCN Ba Động là rất cần thiết. Tuy nhiên, nguồn ngân sách của huyện eo hẹp, nên việc đầu tư mở rộng CCN Ba Động đang gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến CCN này chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.

“Do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên trong giai đoạn này huyện chỉ đầu tư các hạng mục san nền, bê tông xi măng hệ thống chờ đấu nối thoát nước dọc, tuyến đường dẫn từ Quốc lộ 24 vào CCN dài 705m, với nguồn vốn đầu tư 6,6 tỷ đồng”, ông Nam cho biết.

Vừa qua, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho DN Ngọc Trâm đầu tư vào CCN Ba Động, với ngành nghề sản xuất ván ép thanh. Tuy nhiên, do không có mặt bằng sạch nên hơn một năm qua nhà đầu tư này vẫn chưa triển khai. Mới đây, UBND huyện Ba Tơ có văn bản đề nghị DN này chủ động giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà máy để sớm đưa vào hoạt động. Nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng huyện sẽ khấu trừ trả lại sau cho DN.

Theo ông Nam, mục tiêu thu hút đầu tư vào các CCN của huyện là nhiều ngành nghề, không riêng gì dăm gỗ, nhưng nhiều DN tìm đến rồi bỏ đi, bởi hạ tầng CCN còn hạn chế. Hiện mặt bằng CCN đã quy hoạch, nhưng trên thực địa thì người dân vẫn sản xuất, hạ tầng kết nối cũng chưa đảm bảo, nên các DN đã đầu tư gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Quy định thu hút DN vào CCN thì phải đất sạch để nhà đầu tư vào thuê đất, nhưng do nguồn kinh phí khó khăn, nên huyện không thể tạo quỹ đất sạch cho DN. "Do đó, huyện kiến nghị UBND tỉnh sớm bố trí nguồn kinh phí để huyện mạnh dạn đầu tư hạ tầng, nhằm thu hút DN vào đầu tư”, ông Nam kiến nghị.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.