(Baoquangngai.vn)- Khi lượng dầu khai thác từ mỏ Bạch Hổ ngày càng cạn dần, thì việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế cho hoạt động của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất là điều cần thiết. Qua đánh giá, dầu Azeri từ Azerbaijan là phù hợp nhất cho cấu hình của NMLD Dung Quất. Chính vì vậy, đây là nguồn nguyên liệu để Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chọn thay thế dầu từ Bạch Hổ.
Dầu Azeri phù hợp với NMLD Dung Quất
NMLD Dung Quất giai đoạn 1 được thiết kế để sử dụng chế biến nguồn dầu thô Bạch Hổ và các loại dầu trong nước khác tương đương. Dầu thô Bạch Hổ được gọi là “dầu ngọt”, là một trong những nguồn dầu thô tốt nhất thế giới vì chứa ít chất lưu huỳnh, nguy cơ ăn mòn bên trong đường ống/thiết bị là rất thấp. Thế nhưng, sau hơn 30 năm khai thác thương mại, trữ lượng của mỏ Bạch Hổ giảm mạnh.
Theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ 5 năm nữa, dầu Bạch Hổ không còn đủ đáp ứng được nhu cầu đầu vào của NMLD Dung Quất. Vì thế, nếu không nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất và không đi tìm nguồn nguyên liệu thay thế sẽ khiến NMLD Dung Quất rơi vào khó khăn.
Theo lãnh đạo BSR, nhiều năm qua, BSR đã nghiên cứu lựa chọn các loại dầu thô thay thế dầu Bạch Hổ để đưa vào chế biến. Cuối cùng, BSR nhận thấy, dầu Azeri từ Azerbaijan là một trong số ít loại dầu ngọt, nhẹ, tương đồng dầu Bạch Hổ. Việc đánh giá khả năng chế biến các loại dầu thô tại NMLD Dung Quất cũng được thực hiện tương tự như các NMLD khác trên thế giới, đó là xem xét chất lượng dầu thô thể hiện qua bảng phân tích chất lượng dầu (Crude Assay) để đánh giá độ phù hợp với cấu hình công nghệ của nhà máy.
Kỹ sư vận hành NMLD Dung Quất |
Từ các bảng phân tích tính chất dầu thô được cung cấp bởi các nhà sản xuất, buôn bán dầu như PVOIL, BP, Shell, Chevron, Total, Exxon, Petronas… BSR đã sơ loại các loại dầu thô có thể xem xét đánh giá trong giới hạn vận hành của nhà máy. Đó là điểm chảy thấp hơn 38 độ C; hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn 0,47 wt.%.
Những loại dầu đã vượt qua bước sơ loại sẽ được xử lý cập nhật sản lượng các phân đoạn, thành phần kim loại, hàm lượng conradson carbon, tính chất các phân đoạn, để phản ánh đúng tính chất của dầu thô thương mại có trên thị trường. Trên cơ sở các dữ liệu thu thập được, BSR đã xây dựng được danh sách các loại dầu thô có thể đưa vào chế biến, nâng danh sách các loại dầu thô có khả năng chế biến tại Nhà máy từ 48 loại năm 2012 lên 75 loại ở thời điểm hiện tại.
BSR cũng đã thiết lập được tỷ lệ phối trộn của từng nhóm dầu thô làm cơ sở cho việc lập kế hoạch sản xuất, mua dầu, lập kế hoạch nhập dầu, xuất kho phù hợp, đảm bảo cho nhà máy vận hành ổn định ở công suất cao. Sau tất cả các công đoạn phức tạp trên, các kết luận chỉ ra dầu Azeri từ Azerbaijan là phù hợp nhất cho cấu hình của NMLD Dung Quất.
NMLD Dung Quất đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Nguồn thu từ NMLD Dung Quất luôn chiếm trên dưới 90% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Quảng Ngãi.
Với vai trò quan trọng như vậy, tỉnh Quảng Ngãi luôn có sự quan tâm sâu sát tới tình hình sản xuất kinh doanh của NMLD Dung Quất. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Chính phủ kiến nghị về việc “xem xét chấp thuận điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu dầu thô Azeri từ Azerbaijan nói riêng và các loại dầu thô nhập khẩu khác nói chung cho NMLD Dung Quất (bao gồm NMLD Dung Quất sau khi được nâng cấp, mở rộng) tương tự như NMLD Nghi Sơn là 0%”.
Cần sớm nâng cấp NMLD Dung Quất
Để phát triển, BSR cần phải nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, đồng thời đa dạng hóa các loại dầu thô, tìm những loại dầu rẻ hơn để chế biến nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn được phép lưu hành. Việc đó giúp tối ưu hóa chi phí đầu vào, bảo đảm khả năng cạnh tranh cho nhà máy vì dầu thô chiếm trên 92% chi phí đầu vào.
Hiện hầu hết các sản phẩm xăng dầu của BSR đáp ứng tiêu chuẩn EURO II, riêng xăng A95 đáp ứng tiêu chuẩn EURO III. Sau nâng cấp mở rộng sẽ nâng tiêu chuẩn sản phẩm lên EURO V. Việc nâng công suất của NMLD Dung Quất thêm 2 triệu tấn hoàn toàn phù hợp với nhu cầu xăng dầu nội địa trong tương lai. Ngoài ra, NMLD Dung Quất sau nâng cấp mở rộng sẽ được nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm như dầu DO, JET-A1 và thêm sản phẩm mới là nhựa đường.
Với việc nâng công suất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm sẽ tương đương 192.000 thùng dầu/ngày. Tổng vốn cho dự án khoảng 1,82 tỷ USD với tỷ lệ 70% vốn vay, 30% vốn góp.
Việc nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất là hết sức cấp thiết. |
Đến nay, Ban quản lý Dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất đang tích cực triển khai các công việc liên quan đến công tác mở rộng như kế hoạch đề ra. Cụ thể tiến độ tổng thể đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt; các gói thầu như hồ sơ mời thầu (ITB) gói thầu thiết kế tổng thể (FEED); Tư vấn giám sát (PC); Lập đề cương, khảo sát địa hình địa chất phục vụ thiết kế FEED; Rà phá bom mìn đã được triển khai theo kế hoạch.
Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã chuẩn bị 4 khu đất với tổng diện tích 108,2ha (3 khu nằm sát nhà máy hiện hữu, 1 khu cạnh cảng xuất sản phẩm) để bàn giao cho Ban quản lý dự án nâng cấp, mở rộng trước quý I.2016. Cụ thể, diện tích xây dựng 94ha, phần diện tích hành lang an toàn khoảng 14,2ha thuộc địa bàn hai xã Bình Trị và Bình Thuận, huyện Bình Sơn.
Có thể nói, việc nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm là hết sức cấp thiết, bởi việc tăng công suất NMLD Dung Quất không những sẽ đáp ứng được gần 50% nhu cầu của thị trường trong nước, giảm thiểu nhập khẩu xăng dầu, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng tạo động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung.
Bài, ảnh: M.Toàn