(Báo Quảng Ngãi)- Để nghệ vàng của xã Bình Châu (Bình Sơn) có vị thế trên thị trường, các cấp chính quyền và ngành chức năng đang đồng hành cùng với người dân hoàn thành các thủ tục xây dựng nhãn hiệu tập thể “Nghệ vàng Bình Châu”.
Cây trồng chủ lực
Hàng chục năm nay, cây nghệ vàng đã bén duyên trên đất Bình Châu, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Gần đây, diện tích trồng nghệ vàng ngày càng được mở rộng. Bình quân, mỗi hộ trồng khoảng 1.000m², nâng tổng số diện tích trồng nghệ trong toàn xã lên 40ha. Gia đình anh Lê Hồng Đào, ở thôn An Hải là một trong những hộ có diện tích trồng nghệ vàng nhiều nhất xã. Hằng năm, ngoài diện tích đất của gia đình, anh Đào còn thuê thêm hơn 5.000m² đất để trồng nghệ.
Gia đình anh Lê Hồng Đào, ở thôn An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn) có nguồn thu nhập ổn định từ trồng nghệ vàng. |
Anh Đào cho biết: Năm 2016 và 2017, gia đình tôi trồng khoảng 3,5 sào nghệ. Mỗi sào cho thu hoạch 2 tấn nghệ tươi, bán với giá 11.000 - 12.000 đồng/kg, thu về 80 - 100 triệu đồng. Được biết, trước đây anh Đào làm nghề đánh bắt hải sản gần bờ, nhưng sau khi thấy trồng nghệ mang lại nguồn thu nhập ổn định, nên anh đã "lên bờ" để tập trung trồng nghệ.
Trưởng thôn An Hải Lê Văn Thanh cũng là người tiên phong trồng nghệ vàng ở Bình Châu. Với hơn 2 sào nghệ, mỗi năm gia đình ông Thanh thu về hơn 20 triệu đồng. Ông Thanh cho biết: “Nghệ vàng đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân nơi đây, với khoảng 200 hộ trồng. Ngày trước, cũng cùng một vị trí, diện tích đất, nhưng trồng mì, bắp chỉ thu về vài trăm, đến vài triệu đồng. Kể từ ngày chuyển sang trồng nghệ, nguồn thu nhập của các gia đình được nâng lên từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Tuy vậy, cũng có năm giá nghệ xuống thấp, nên cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vậy nên, chúng tôi rất mong chính quyền hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm nghệ Bình Châu, để đầu ra sản phẩm được ổn định”.
Khẩn trương xây dựng nhãn hiệu tập thể
Theo người dân nơi đây, nghệ vàng Bình Châu có đặc trưng rất riêng, khác với nghệ trồng ở những nơi khác, như có màu vàng đậm, củ nhỏ, nhiều tinh bột hơn. Bởi nơi đây là đất đỏ bazan, tơi xốp, nên màu sắc của củ nghệ vàng đậm. Bắt đầu từ tháng 7 âm lịch là người dân xuống giống, đến khoảng tháng 2, tháng 3 năm sau là vào mùa thu hoạch.
Ngoài bán nghệ tươi, người dân xã Bình Châu chế biến tinh bột nghệ để bán. |
Ông Thanh chia sẻ thêm: “Củ nghệ vàng Bình Châu có hàm lượng tinh bột rất cao. Vậy nên, khoảng 100kg nghệ tươi cho ra thành phẩm tinh bột nghệ hơn 6kg (nơi khác 30kg củ nghệ tươi chỉ cho khoảng 1kg tinh bột nghệ). Những năm gần đây, bên cạnh việc bán nghệ tươi, người dân ở đây còn sản xuất tinh bột nghệ để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, với giá khoảng 400 nghìn đồng/kg”.
Với giá trị kinh tế mà cây nghệ vàng mang lại cho người dân, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất và chỉ đạo UBND huyện Bình Sơn giao HTX Nông nghiệp Bình Châu chủ động phối hợp với Sở KH&CN và các cơ quan chức năng liên quan triển khai các bước tiếp theo để xây dựng nhãn hiệu tập thể “Nghệ vàng Bình Châu”.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Châu Nguyễn Ngân cho biết: “Người dân mong muốn có nhãn hiệu để bảo vệ sản phẩm mình làm ra. Trong xã có 400 hộ đăng ký tham gia, với diện tích quy hoạch là 40ha, tập trung nhiều nhất ở thôn An Hải, Phú Quý, Tân Đức, Châu Thuận Nông. Hiện nay, tên nhãn hiệu tập thể “Nghệ vàng Bình Châu” đã được UBND tỉnh thống nhất, giúp chúng tôi có thêm động lực để hoàn thành các bước tiếp theo, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây nghệ vàng Bình Châu”.
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG