Liên kết sản xuất ớt xuất khẩu

03:11, 22/11/2018
.

(Baoquangngai.vn) – Ớt là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác. Những năm qua, diện tích ớt trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm này không ổn định, giá cả thất thường. Huyện Bình Sơn vừa kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt cho bà con nông dân.

TIN LIÊN QUAN

                            Doanh nghiệp bắt tay với nông dân


Công ty Thái Huy Nam (TP.Hồ Chí Minh) vừa phối hợp với huyện Bình Sơn tổ chức hội nghị triển khai mô hình trồng ớt xuất khẩu đi Hàn Quốc và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với nông dân một số xã của huyện Bình Sơn trong năm 2019.

Công ty sẽ liên kết với nông dân trồng giống ớt chỉ thiên. Tham gia mô hình, các hộ dân được công ty hỗ trợ 100% giống và tập huấn kỹ thuật thâm canh để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

HTX sẽ đứng ra đại diện pháp lý cho các hộ dân tham gia mô hình ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Công ty cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm ớt trái theo đơn giá thị trường, mở vào từng thời điểm và không thấp hơn 14.000đ/kg ớt chín.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Dương, ông Bạch Hùng, ớt là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác, dẫu vậy đầu ra của sản phẩm này không ổn định, giá cả thất thường.

 

Lâu nay đầu ra cho cây ớt luôn bấp bênh, được mùa mất giá, được giá mất mùa.


Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ớt giữa người dân và doanh nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhằm tạo sự liên kết trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân giảm thiểu rủi ro đầu ra, trong thời buổi thị trường luôn biến động, giá cả phù thuộc nhiều vào  thương lái và thị trường xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Anh Võ Văn Sanh, ở xóm 4A, thôn Mỹ Huệ 2, xã Bình Dương cho biết, gia đình anh có 3 sào ớt, bình quân đạt khoảng 3 tấn. Mỗi sào ớt cho thu thập từ 12 - 15 triệu đồng. Đấy là năm, ớt được giá. Giá ớt lúc lên lúc xuống, bấp bênh khiến người trồng thấp thỏm lo lắng, bán sản phẩm mình làm ra, nhưng nông dân không biết trước được giá bán. Có vụ, giá ớt chạm “đáy”, nông dân chẳng lấy lại được vốn. Nay liên kết với doanh nghiệp, được bao tiêu đầu ra, nông dân rất vui, yên tâm sản xuất.

 

Trách nhiệm gắn với lợi ích


Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Dương, ông Bạch Hùng cho rằng, việc liên kết sản xuất giữa nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp là đáng hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, từ thực tế trên cho thấy, mối liên kết này còn lỏng lẻo, chưa thực sự gắn kết được trách nhiệm và lợi ích giữa các bên với nhau.

Để tránh trường hợp nông dân ôm quả đắng vì doanh nghiệp bội tín, về phía công ty, cam kết trong hợp đồng sẽ bồi thường nếu không tiến hành thu mua ớt cho nông dân. Nông dân cố tình bán ớt cho đối tác khác, tùy thuộc mức độ, công ty có quyền chấm dứt hợp đồng hoặc khởi kiện.

Nhiều hộ dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa, không chung thủy với doanh nghiệp, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, ai trả giá cao hơn thì bán.

 

Liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần thiết.



Thực tế, giá ớt cũng như giá nông sản bị  thương lái “làm giá”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cũng như uy tín của doanh nghiệp trên thị trường xuất khẩu.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, ông Phạm Hồng Nguyên cho biết, diện tích ớt của huyện Bình Sơn rất lớn, mỗi năm khoảng 600ha. Huyện đang rà soát lại diện tích và tiến hành các thủ tục tiến đến ký kết hợp đồng liên kết sản xuất ớt với Công ty Thái Huy Nam ở 3 xã Bình Dương, Bình Mỹ, Bình An. Nếu thành công sẽ mở rộng ra các xã khác.

Để tạo mối liên kết bền vững, xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần xác định rõ trách nhiệm gắn với lợi ích.

Ngoài việc áp dụng đúng quy chuẩn trong sản xuất hàng hóa, nông dân cần chung thủy với doanh nghiệp. Doanh nghiệp quan tâm đến lợi ích của nông dân, thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng ký kết. Chính quyền địa phương giúp đỡ doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện dự án. Có như thế mới góp phần phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững.

Bài, ảnh: A.KIỀU
 


.