Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh

09:11, 15/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của tỉnh ước đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nên tỉnh cần có giải pháp tích cực để duy trì mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019.

TIN LIÊN QUAN


Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 540 triệu USD, tăng 18% so với năm 2017 và vượt 20% kế hoạch năm (kế hoạch 450 triệu USD). Mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ gồm: Đồ gỗ ước đạt 4 triệu USD, tăng 19%; sợi bông 62 triệu USD, tăng 25%; giày dép các loại 40 triệu USD, tăng 41%; dầu FO 75 triệu USD, tăng 58%; tinh bột mì 80 triệu USD, tăng 11%; sản phẩm cơ khí 100 triệu USD, tăng 14%; nguyên liệu giấy (dăm gỗ) 110 triệu USD, tăng 6,1%.

 

Tàu cập cảng Dung Quất nhận hàng.
Tàu cập cảng Dung Quất nhận hàng.


Trong năm 2018, có thêm 5 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu, gồm: Công ty TNHH Chế biến gỗ Minh Dương Dung Quất xuất khẩu bàn ghế gỗ đi thị trường Hàn Quốc; Công ty TNHH điện tử Sumida Quảng Ngãi xuất khẩu thiết bị điện tử qua thị trường Mỹ, Nhật, Brazil, Hồng Kông, Singapore; Công ty CP Dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi xuất khẩu cấu kiện thép đi Philippines; Công ty TNHH Millennium Furniture xuất khẩu bọc nệm ghế sofa đi thị trường Mỹ; Công ty TNHH ShengYang (Vnam) Textile xuất khẩu sợi bông đi thị trường Trung Quốc.
 

Năm 2019,  Sở Công thương dự báo tình hình xuất khẩu tăng nhưng không mạnh, với dự kiến kim ngạch đạt 560 triệu USD, tăng 3,7% so năm 2018.

Năm 2018, Quảng Ngãi có nhiều giải pháp kích cầu xuất khẩu, hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác tại các nước Châu Âu và Trung Quốc... Đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; đẩy mạnh liên kết giữa DN với nông dân, giữa Sở Công thương Quảng Ngãi với Sở Công thương Lâm Đồng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản; giới thiệu, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối, xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng kế hoạch nâng cấp sàn thương mại điện tử của tỉnh trở thành sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ DN tìm kiếm thông tin thị trường, thực hiện mua bán hàng hóa qua mạng.

Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống liên tục tăng trong những năm trước, thì năm 2018 lại giảm khá mạnh. Điển hình là thực phẩm chế biến ước đạt 9 triệu USD, giảm 16,5%; thủy sản chế biến 17 triệu USD, giảm 10,4%; may mặc 21 triệu USD, giảm 2,4%; điện tử các loại và linh kiện 12 triệu USD, giảm 18,5%. Nguyên nhân, thực phẩm chế biến gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, một số thị trường xuất khẩu cắt đơn hàng và thu hẹp quy mô nhập khẩu. Riêng thủy sản chế biến xuất khẩu giảm là do giá nguyên liệu đầu vào cao, trong khi giá xuất khẩu và sản lượng xuất khẩu không tăng. Đối với mặt hàng may mặc, nguyên nhân lớn nhất là do thiếu hụt nguồn lao động, dẫn đến không thực hiện được các đơn hàng lớn theo đúng thời gian cam kết.

 Năm 2019, một số mặt hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng, như:  Sản phẩm sợi bông tăng 30,6% so với năm 2018 và sản phẩm vải, phụ kiện may mặc. Cơ sở để tin tưởng sản phẩm sợi bông tăng là nhờ Công ty TNHH Xindadong Textiles tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất (công suất hiện tại 18.000 tấn/năm, nay mở rộng nhà máy lên 45.000 tấn/năm); Công ty TNHH ShengYang (Vnam) Textile đưa Nhà máy sản xuất sợi ShengYang Dung Quất (công suất 400 tấn/năm) tại KCN VSIP Quảng Ngãi đi vào hoạt động cuối năm 2018.

Riêng đối với mặt hàng vải, Nhà máy sản xuất vải Zigui Jisheng – WangSheng Dung Quất (KCN VSIP Quảng Ngãi) với công suất 40 triệu mét khối vải/năm, đang triển khai xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động vào quý I/2019, sản phẩm năm 2019 dự kiến đạt 25 triệu mét khối. Nhà máy sản xuất phụ kiện may mặc Freetex Group (KCN VSIP), dự kiến đi vào hoạt động tháng 11.2018; Nhà máy may Vinatex Nghĩa Hành (CCN Đồng Dinh-Nghĩa Hành) với công suất 1,8 triệu sản phẩm/năm... Ngoài ra, đơn hàng xuất khẩu các mặt hàng giày da các loại năm 2019 cũng dự kiến tăng 5% so với năm 2018.


Bài, ảnh: Thanh Nhị



 


.