(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, huyện Ba Tơ đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ rừng, như tổ chức truy quét, tuần tra kiểm soát, vận động tuyên truyền, giao đất giao rừng... Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2018, trên địa bàn huyện vẫn có trên 2,8ha rừng bị xâm hại. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến rất phức tạp.
Trong 9 tháng năm 2018, Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ đã xử lý vi phạm 61 vụ/23 đối tượng. Đồng thời, chuyển Chi cục Kiểm lâm tỉnh để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền 2 vụ/10 đối tượng/3,564m3 gỗ. Phạt tiền 102 triệu đồng, hiện đã thi hành 24 triệu đồng, còn 78 triệu đồng vẫn chưa thi hành.
Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ Đàm Minh Tâm cho biết: Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý, bảo vệ rừng, nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để. Còn nguyên nhân chưa thi hành số tiền xử phạt hành chính là do nhiều đối tượng phá rừng là hộ nghèo, nên cơ quan chức năng đang tìm hướng xử lý.
Một vụ phá rừng phòng hộ tại xã Ba Liên (Ba Tơ) vào năm 2017. |
Nguyên nhân tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Ba Tơ diễn ra thời gian qua, ngoài lòng tham của một số đối tượng, thì nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất sản xuất, nên xâm phạm đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ để lấy đất canh tác. Thực tế, diện tích đất có rừng trên địa bàn huyện Ba Tơ rất lớn, với khoảng 96.808ha (85,06% diện tích tự nhiên). Nhiều diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ, nhưng nhiều điểm nóng về tình trạng lấn chiếm đất, phá rừng trên địa bàn huyện vẫn còn âm ỉ, như tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã Ba Liên.
Mới đây nhất là vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ tại tiểu khu 363, xã Ba Vinh. Tại tiểu khu 370 của xã Ba Liên cũng xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ keo rừng trồng phòng hộ. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương cho biết: Huyện đã có công văn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Riêng vụ việc ở Ba Vinh, huyện đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn báo cáo vụ việc với Chủ tịch UBND huyện, chậm nhất vào ngày 30.11.2018, trên cơ sở đó huyện sẽ xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Đồng thời, huyện còn chỉ đạo tăng cường công tác vận động tuyên truyền, thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, truy quét ở những khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng cao.
Nhiều vùng rừng trọng điểm ở các xã trên địa bàn huyện Ba Tơ như xã Ba Trang, Ba Khâm, Ba Liên, Ba Lế, Ba Điền... được Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ phối hợp với các lực lượng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, truy quét, nhưng tình trạng phá rừng, khai thác, mua, bán, vận chuyển gỗ trái phép vẫn tái diễn. Rừng phòng hộ bị xâm hại, ngoài việc xử lý các đối tượng phá rừng theo đúng pháp luật, các cơ quan chức năng cũng cần quy trách nhiệm cho các chủ rừng, vì có một số đơn vị buông lỏng công tác quản lý, khiến năm nào cũng có một diện tích lớn rừng tự nhiên bị xóa sổ.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN