(Baoquangngai.vn)– Miền biển đang khát lao động đi biển trầm trọng. Gần đây, nhiều chủ tàu khóc ròng, lâm vào cảnh tiền mất tật mang vì phải tranh giành lao động đi biển, để rồi bị họ bắt tay nhau lừa, bỏ trốn không chịu ra khơi.
TIN LIÊN QUAN
Bắt tay lừa chủ tàu
Mọi thứ đã sắm sửa hoàn tất cho chuyến xuất bến ra khơi, nhưng anh Trương Văn Chín ở xã Phổ Quang (Đức Phổ) còn phờ phạc vì phải chạy khắp nơi tìm bạn thuyền.
Anh Chín buồn bã kể, anh cần 12 lao động, nhưng các chuyến ra khơi đều chỉ tìm được 9 người. Cả 3 chuyến ra khơi trước, anh Chín đều trả đủ tiền công cùng tiền ăn theo sản lượng đánh bắt.
Anh cho bạn ứng tiền cọc trước khi họ có nhu cầu. Có người một phiên biển ứng đến 15 triệu đồng. Sát giờ xuất bến, đợi mãi chỉ có vài ba người đến, còn những thuyền viên khác thì báo bận cúng giỗ, đám tiệc, “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được".
Anh tìm tới nhà thì người thân bảo đã đi theo tàu khác. Tổng số tiền anh Chín bị người đi bạn lừa lên đến hơn 200 triệu đồng.
“Giờ chủ tàu không phải thuê như trước mà phải tranh giành nhau mới có bạn đi biển, nhất là thợ lặn. Mình cho ứng 15 triệu đồng thì chủ tàu giã cào cho ứng tới 25 triệu đồng, nên hút hết bạn” - anh Chín than vãn.
Miền biển đang khát lao động đi biển nghiêm trọng. |
Chủ tàu Ngô Văn Dũng, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng dở khóc dở cười khi liên tục nếm "quả lừa" của các thợ lặn, với số tiền hơn 400 triệu đồng. Cả 4 chuyến ra khơi đánh bắt trong năm nay ông Dũng đều bị các thợ lặn lừa ứng tiền, mỗi người ứng từ 10 - 20 triệu đồng rồi rủ nhau lặn mất tăm.
Ông Dũng buồn bã nói: “Tàu tôi về luôn có lãi, có chuyến chia nhau mỗi người tới 20 triệu đồng vậy mà họ vẫn ráp tâm lừa mình. Thợ lặn có giá nên họ nhảy việc sang tàu khác”.
“Tức nước vỡ bờ”
Nghề lặn là nghề cực nhọc, nguy hiểm nhất, nên thợ lặn ngày càng khan hiếm. Vì thế, các chủ tàu phải vào tận Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa tranh giành tìm thợ lặn.
Xã Bình Châu là thủ phủ của nghề lặn và đây cũng là nơi có nhiều chủ tàu tiền bị người đi bạn lừa nhất. Khi được hỏi, 10 người thì có đến 9 người cho biết đã bị lừa.
Một chủ tàu tên Ninh, ở xã Bình Châu bức xúc: “Không ít người sắm tổn chạy tàu vào tận Khánh Hòa, Phú Yên đón họ. Tàu tới nơi gọi thì họ tắt máy, thiếu lao động không thể ra khơi đành ôm cục tức chạy lại về quê tìm bạn”.
Chủ tàu trang bị đủ tổn phải dời ngày xuất bến đến năm lần, bảy lượt vì gọi được người này thì người khác lại bỏ trốn. Cầm hóa đơn chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho thuyền viên trên tay, nhưng ngại không dám khai báo với cơ quan công an.
Lý giải nguyên nhân ngại khai báo với công an để các thuyền viên lợi dụng “điểm yếu” hoành hành, chủ tàu tên Ninh thổ lộ: “Tàu sắm rồi nằm bờ dài ngày sẽ thất thu, nhanh hư hỏng. Nhiều người lừa mình sang làm cho chủ tàu khác cùng xóm, nhưng đành “ngậm bồ hòn” vì mình cần họ, sợ bị trả thù”.
Nhiều tàu khai thác kém hiệu quả vì thiếu lao động. |
Cũng theo chủ tàu này, đã có nhiều trường hợp chủ tàu khai báo với công an khi vào Khánh Hòa, Phú Yên tìm bạn thuyền bị người lạ mang mặt nạ chém vào người phải chạy thục mạng thoát thân.
Mới đây, lực lượng chức năng giải cứu 4 ngư dân tỉnh Bình Thuận bị chủ tàu cá Quảng Ngãi trói, vì sợ thuyền viên ứng tiền rồi trốn thoát. Hành vi này của chủ tàu là đáng lên án, nhưng “tức nước vỡ bờ” khi chủ tàu phải liên tiếp ôm quả đắng.
Theo Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh, ông Phan Huy Hoàng, hiện nay, số lượng tàu công suất nhỏ giảm dần, nhưng tăng tàu công suất lớn, tổng số lượng tàu thuyền không giảm nên cần số lượng lao động lớn hơn.
Nguồn lợi hải sản nghề ven bờ lẫn ngoài khơi ngày càng cạn kiệt, hiệu quả kinh tế giảm dần nên thuyền viên bỏ từ tàu hiệu quả kém sang tàu lợi nhuận cao hoặc bỏ nghề biển lên bờ.
Các cơ quan chức năng nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân. Thế nhưng thực tế các chủ tàu đang rất cần lao động đi biển, trong khi đó hợp đồng lao động giữa thuyền viên và chủ tàu chỉ thường là thỏa thuận miệng, không phải thuyền viên không am hiểu luật mà cố tình không tuân thủ luật, gây thiệt hại cho chủ tàu.
Bài, ảnh: C.P