Nghiệp đoàn nghề cá gặp khó

09:10, 18/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) được kỳ vọng là chỗ dựa, đồng hành với ngư dân vươn khơi giữ biển, nhưng lại đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu lao động và hệ thống thông tin liên lạc thường bị trục trặc, gián đoạn.

TIN LIÊN QUAN

Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) hiện có 629 đoàn viên ngư dân bám biển. Tuy nhiên, thời gian qua, thông tin liên lạc về trạm bờ qua máy Icom thường gián đoạn, khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. “Máy liên lạc trạm bờ đặt ở xã, nhưng không hiểu sao cứ trục trặc hoài. Nhiều lúc chúng tôi liên lạc mãi không được, nên rất bức bối”, ngư dân Võ Liêu, xã Nghĩa An cho biết.

 

Thiếu lao động đi biển gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các Nghiệp đoàn nghề cá.
Thiếu lao động đi biển gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các Nghiệp đoàn nghề cá.


Không chỉ ở xã Nghĩa An, mà ngư dân một số địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh cũng phàn nàn về tình trạng gián đoạn liên lạc với trạm bờ, nhất là trong mùa mưa bão. Xảy ra tình trạng trên, là do hầu hết các máy Icom được lắp đặt vào năm 2013, nhưng không được thường xuyên bảo dưỡng, nên chất lượng đường truyền thấp, thường xuyên bị mất tín hiệu.

“Phần vì chúng tôi không có chuyên môn, phần do không có kinh phí để duy tu, sửa chữa, nên đành chịu cảnh liên lạc lúc được lúc mất”, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An Đỗ Hồng Minh cho biết. Hơn nữa, máy đặt ở UBND xã, nên thứ 7 và chủ nhật cũng vắng người trực. Vì vậy, nhiều khi ngư dân có việc cần liên lạc vào thời gian trên cũng chẳng được.

Toàn tỉnh hiện có 12 nghiệp đoàn nghề cá, 7.000 đoàn viên tham gia, với hàng nghìn tàu công suất lớn, bám ngư trường  Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, nhiều tàu cá của các ngư dân là thành viên trong các NĐNC đang nằm bờ, do không đủ lao động đi biển. “Phần vì đi biển bấp bênh, vất vả, nhiều lao động trẻ có xu hướng chọn nghề sản xuất ở trên bờ để làm ăn; phần do công tác quản lý đoàn viên của các NĐNC chưa hiệu quả, do thiếu kinh phí hoạt động”, ông Đỗ Hồng Minh cho biết.

Để giúp các chủ tàu ổn định lao động, các NĐNC cũng đã đổi mới nội dung, phương pháp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Đó là thống kê, rà soát nhu cầu lao động của các chủ tàu, đề xuất các ngành liên quan có giải pháp đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động nghề biển. Ngoài ra, các NĐNC cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các thông tin về chính sách hỗ trợ, giá cả, ngư trường khai thác... giúp ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Theo Sở NN&PTNT, tình trạng thiếu lao động nghề cá xa bờ là do các ngành nghề du lịch, dịch vụ phát triển mạnh, kéo theo sự chuyển dịch lao động, trong đó có nghề cá. Để khắc phục tình trạng này, ngành đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho lao động sản xuất gần bờ, để vừa ổn định lao động nghề cá xa bờ, vừa giảm thiểu suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Vì vậy, cùng với ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương và các NĐNC cũng cần tập trung phổ biến nghề mới; lồng ghép việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động nghề cá hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thông qua việc dự báo nguồn lợi thủy sản, giúp các tàu cá xa bờ nâng cao hiệu quả khai thác.


Bài, ảnh: THANH PHONG


 


.