Ông Trần Ngọc Thương. |
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Ngọc Thương với phóng viên Báo Quảng Ngãi, trước phản ánh của một số doanh nghiệp (DN), hộ chăn nuôi, mua bán, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật cho rằng, họ bị cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT “làm khó”.
PV: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền cơ sở triển khai thực hiện công tác tiêm phòng gia súc gia cầm (GSGC). Tuy nhiên, sau đó đơn vị này lại tổ chức “tiêm nhắc”. Việc này liệu có lãng phí không, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Thương: Công tác tiêm phòng GSGC và tiêu độc khử trùng được thực hiện mỗi năm 2 đợt, do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, ở những vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao, hoặc những đối tượng chính, nhưng chưa được tiêm phòng, Chi cục sẽ tiến hành tiêm nhắc, nhằm hạn chế nguy cơ xuất hiện và bùng phát các loại dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chưa xây dựng mới vùng dịch tễ, nên chưa thể cụ thể hóa các khu vực cần được tiêm nhắc. Điều này khiến một số địa phương hiểu nhầm về mục đích của công tác tiêm nhắc. Chấn chỉnh vấn đề này, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẩn trương xây dựng mới vùng dịch tễ trong chăn nuôi, để nâng cao hiệu quả công tác tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh.
PV: Có thông tin cho rằng, lực lượng chức năng tự thêm thủ tục hành chính (TTHC) để “hành” DN, hộ kinh doanh. Thực hư của vấn đề này thế nào, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Thương: Tôi khẳng định, Sở NN&PTNT cũng như các đơn vị chuyên môn không tự thêm các TTHC, càng không có chuyện “trên mở, dưới buộc” như một số DN, hộ kinh doanh đã phản ánh. Sau khi Bộ NN&PTNT gỡ bỏ những TTHC không cần thiết, Sở đã thực hiện rất nghiêm túc. Tôi nghĩ, phản ứng của DN, hộ kinh doanh xuất phát từ việc Sở chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; siết chặt quản lý cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Lâu nay, lực lượng chuyên trách buông lỏng việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động chăn nuôi, mua bán, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật. Vì vậy, tình trạng buôn bán, vận chuyển GSGC và sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch; buôn bán thuốc thú y, hành nghề thú y không đủ điều kiện theo quy định... thường xuyên xảy ra. Nhiều trường hợp vi phạm, nhưng chưa được xử lý theo quy định. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, cũng như tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh.
Các hoạt động buôn bán gia súc gia cầm sẽ được siết chặt. |
PV: Cụ thể những vi phạm đó là gì, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Thương: Vừa qua, một số DN tham gia cung ứng con giống GSGC cho các chương trình, dự án, nhưng không đảm bảo các quy định của Cục Thú y. Trong đó, yêu cầu số mẫu có hiệu giá kháng thể bảo hộ phải đạt tỷ lệ 70% trở lên trong tổng số mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, DN cung ứng lô gia súc 32 con, nhưng chỉ cung cấp 10 mẫu, đạt tỷ lệ 31%. Chính vì vậy, Sở NN&PTNT yêu cầu DN giữ và cách ly đàn, tổ chức tiêm phòng và lấy mẫu máu, gửi đơn vị chuyên môn xét nghiệm lại.
Sau khi có kết quả đảm bảo yêu cầu, Sở mới cho phép DN cấp phát cho dân. Quy trình này thường mất 30-40 ngày, nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của DN. Nhưng đây là lỗi của DN, vì những quy định này đã được Cục Thú y quy định rất cụ thể, nhằm tránh phát sinh và lây lan dịch bệnh từ đàn GSGC của các chương trình, dự án.
Ngay như trên địa bàn tỉnh, khi kiểm tra, lực lượng chuyên môn của Sở đã phát hiện một hộ kinh doanh ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) mua 2 con trâu mắc bệnh lở mồm long móng về điều trị, chăm sóc. Sau khi trâu hết bệnh, hộ này đã bán lại cho người dân. Việc làm này rất dễ gây lây lan dịch bệnh. Khi Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lập biên bản xử phạt hành chính, hộ này còn bất hợp tác! Đối với những trường hợp vi phạm, Sở NN&PTNT chỉ đạo sẽ xử phạt hành chính 2 lần, nếu tái phạm đến lần thứ 3, sẽ tước giấy phép kinh doanh và phạt theo Luật Thú y. Đây chính là lý do khiến DN, hộ kinh doanh cho rằng Sở NN&PTNT “làm khó”.
PV: Phải chăng DN, hộ kinh doanh chưa nắm rõ những quy định, thủ tục?
Ông Trần Ngọc Thương: Lâu nay, công tác quản lý lĩnh vực này còn buông lỏng, việc xử lý chỉ "giơ cao đánh khẽ", nên DN và những hộ kinh doanh chủ quan. Vì vậy, bên cạnh việc siết chặt công tác quản lý, kiểm tra và kiểm soát, Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho DN, hộ kinh doanh những nội dung của Luật Thú y, cũng như các quy định đảm bảo an toàn buôn bán, giết mổ, vận chuyển GSGC và các sản phẩm động vật.
PV: Xin cảm ơn ông!
MỸ HOA
(thực hiện)