(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, sau khi thu hoạch tỏi, nông dân Lý Sơn thường tích trữ để chờ đến cuối vụ mới bán, vì giá lúc này cao hơn thời điểm đầu vụ. Nhưng năm nay, giá tỏi cuối vụ lại xuống thấp so với đầu vụ, dẫn đến sản lượng tỏi tồn đọng nhiều.
TIN LIÊN QUAN
Tồn đọng 200 tấn tỏi
Giá tỏi càng về cuối vụ càng giảm, sức tiêu thụ chậm, khiến nhiều hộ dân ở Lý Sơn tích trữ tỏi như “ngồi trên đống lửa”. Trước tình hình này, Huyện đoàn Lý Sơn phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức khảo sát tình hình tồn đọng tỏi trong dân để có giải pháp hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết: "Lý Sơn có 3.884 hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, cây trồng chính là tỏi, tổng diện tích canh tác vào khoảng 326ha, sản lượng bình quân hằng năm khoảng 2.400 tấn tỏi. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới tiêu thụ khoảng 2.200 tấn, còn tồn khoảng 200 tấn".
Nông dân Lý Sơn phơi tỏi để bảo quản, tích trữ. |
Giá tỏi Lý Sơn hồi đầu vụ (đầu năm 2018) khoảng 90.000 - 110.000 đồng/kg, nhưng sau đó giảm dần và đến thời điểm hiện tại, giá bán buôn chỉ khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg; bán lẻ từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng tỏi Lý Sơn chỉ huề vốn, với những diện tích đầu tư chi phí cao thì thua lỗ.
Được hỏi vì sao khi giá tỏi cao không bán mà tích trữ, bà Đinh Thị Lý, ở thôn Đông, xã An Vĩnh cho biết: "Nông dân Lý Sơn chỉ có tỏi. Tỏi như của để dành, không bán ồ ạt. Lâu nay vẫn thế, chỉ khi nào cần số tiền làm việc lớn mới xuất bán số lượng nhiều. Thông thường thì cuối vụ giá cao, nông dân cũng cố gắng tích lũy để có thêm lợi nhuận, ai ngờ giá lại sụt giảm chỉ còn một nửa so với đầu vụ".
Để giải bài toán tỏi bị tồn đọng, Huyện đoàn Lý Sơn vừa ra "thư ngỏ" vận động mọi người mua tỏi nhằm giúp người trồng tỏi tránh thiệt hại lớn. Động thái này là một thiện chí, nhưng đó chỉ là cách làm tình thế. Bởi khác với các loại nông sản đã từng vận động “giải cứu”, như dưa hấu, chuối... thì tỏi là loại thực phẩm không thể ăn nhiều cùng lúc, chỉ tích trữ để ăn dần. |
Xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững
Năm nay, thị trường tỏi trong tỉnh và cả nước gần như bão hòa, do tỏi Trung Quốc, Thái Lan giá rẻ (10.000 - 15.000 đồng/kg) nhập ồ ạt vào thị trường. Thêm vào đó, vùng tỏi của tỉnh Khánh Hòa, với giống và phương thức canh tác như tỏi Lý Sơn được mùa, trong đó có số lượng không nhỏ "đội lốt" tỏi Lý Sơn đưa đi tiêu thụ khắp nơi, nhưng chất lượng không bằng tỏi Lý Sơn, nên làm giảm uy tín thương hiệu tỏi Lý Sơn.
Còn tại đảo Lý Sơn, số lượng tỏi được tiêu thụ thời gian qua không nhiều, do mùa mưa bão đang về, khách du lịch ít ra đảo. Người dân trồng tỏi ở Lý Sơn rất bức xúc trước nạn "tỏi giả Lý Sơn" buôn bán tràn lan ngoài thị trường, nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn.
Đại diện Sở Công thương cho biết: Từ năm 2016 đến nay, rất nhiều lần Sở Công thương và UBND tỉnh yêu cầu huyện Lý Sơn tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh hành - tỏi Lý Sơn.
Cụ thể là, chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển tỏi từ đất liền đến địa bàn huyện; hướng dẫn Hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành, tỏi Lý Sơn trong việc in nhãn hiệu, logo, tem chống giả (nếu có) của Hội; tổ chức thu gom và đóng gói tại một cơ sở có địa chỉ cụ thể, tránh tình trạng để các hộ dân tự đóng gói, dán nhãn hiệu tự phát như hiện nay; thành lập cơ sở thu mua, bao tiêu sản phẩm; thu mua hành, tỏi tập trung; tổ chức các điểm bán hành, tỏi Lý Sơn (có sự quản lý của UBND huyện)... Tuy nhiên, những chỉ đạo đó đến nay vẫn chưa được triển khai có hiệu quả.
Bài, ảnh: THANH NHỊ