(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi năm ngân sách cấp hàng trăm tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trực tiếp cho người dân 6 huyện miền núi trong tỉnh để phát triển kinh tế gia đình. Song, kết quả mang lại vẫn chưa như kỳ vọng, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức rất cao.
Còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại
Mỗi năm ngân sách “rót” về hàng chục tỷ đồng cho huyện Tây Trà để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn còn thấp. Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Như Lâm cho biết: ngoài hỗ trợ trực tiếp cho người dân, huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng "cầm tay chỉ việc cho người dân", nhưng rồi vẫn không nhân rộng được.
Bò Zêbu cấp cho người dân tại xã Sơn Liên từ nguồn vốn Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được đánh giá là chưa phù hợp. |
Đối với chương trình hỗ trợ xuất khẩu lao động, nhiều thanh niên sau khi được hỗ trợ đi học đã không làm thủ tục để đi làm việc. Nhiều trường hợp, huyện đưa đi làm việc tại KKT Dung Quất, nhưng chỉ được vài ngày, rồi bỏ việc quay về nhà. “Không phải huyện không có quyết tâm, nhưng do tâm lý ỷ lại của người dân còn cao, dẫn đến hiệu quả các chính sách đầu tư của nhà nước đạt thấp", ông Lâm nói.
Một cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây thì cho rằng, do không biết cách làm ăn, nên một số hộ dân không dám nhận cây, con giống hỗ trợ, hoặc nhận về trồng, chăn nuôi nhưng không chăm sóc. Mỗi hộ nghèo được cấp gạo, dầu ăn, tiền trợ cấp... gần như bao cấp trọn gói, nên nhiều người ỷ lại, không có ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Phải thay đổi nhận thức
Bên cạnh nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, thì vẫn còn một bộ phận cán bộ ở một số các cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã không làm hết trách nhiệm, chưa tận tâm với người dân. Việc cấp cây, con giống cho người dân ở một số địa phương còn mang tính chủ quan, cảm tính, không tìm hiểu cây, con giống đó có phù hợp với địa hình, khí hậu và cách chăm sóc của người dân hay không.
Đơn cử như tại xã Sơn Liên (Sơn Tây), từ nguồn vốn chương trình Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên, đơn vị thực hiện đã ký hợp đồng mua bò Zêbu và dê Bách thảo cấp cho dân, trong khi đây là hai vật nuôi thuộc diện "khó tính". Hậu quả là, sau một năm chăm sóc, số lượng con giống hao hụt dần, vì không hợp thời tiết và người nuôi thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, vấn đề đặt ra hiện nay là, các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức trong người dân và cán bộ phụ trách. Có như thế thì nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo mới phát huy hiệu quả. Ngoài ra, phải xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với từng địa phương, nhân rộng các mô hình kinh tế có triển vọng để người dân học tập, làm theo; đồng thời chủ động liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của người dân.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC