Doanh nghiệp nợ thuế bỏ địa chỉ kinh doanh: Cần có giải pháp mạnh

09:10, 18/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN) ngày càng đơn giản, cùng với đó là chính sách thuế thông thoáng, nên đang là kẽ hở để nhiều DN bỏ địa chỉ kinh doanh để trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

TIN LIÊN QUAN

Gia tăng DN bỏ địa chỉ kinh doanh

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 623 DN thành lập mới, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay có 4.907 DN đang hoạt động. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2018 cũng đã có 348 DN không hoạt động, trong đó có 170 DN tạm ngừng hoạt động, 41 DN giải thể và 137 DN bỏ địa chỉ kinh doanh.

 

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh đến kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế Bình Sơn.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh đến kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế Bình Sơn.


Từ số liệu trên cho thấy, những năm gần đây, số DN bỏ địa chỉ kinh doanh ngày càng tăng. Nguyên nhân là do chính sách, chế tài xử lý chưa đủ mức răn đe, trong khi ngành thuế chỉ theo dõi, quản lý nợ của DN có địa chỉ kinh doanh. Vì vậy, khi DN bỏ địa chỉ kinh doanh, cơ quan thuế không thể gửi các quyết định cưỡng chế, cũng như các chế tài để xử lý. Bên cạnh đó, việc thành lập DN quá thoáng, nhưng việc thực hiện hậu kiểm không đủ lực lượng để kiểm tra, dẫn đến DN bỏ địa chỉ kinh doanh, phá sản, giải thể ngày  càng nhiều.
 

Theo thống kê của cơ quan thuế, hiện có trên 1.400 DN nợ thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, với tổng số tiền 129 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là, từ năm 2016 đến nay, có khoảng 67 giám đốc của DN bỏ địa chỉ để sang làm giám đốc một DN mới. Thậm chí, có DN bỏ địa chỉ kinh doanh một thời gian, sau đó thành lập lại một DN mới tại ngay địa chỉ cũ và giám đốc cũng chính là người cũ. Hoặc có trường hợp từ anh chuyển sang em, cha chuyển cho con, chồng chuyển cho vợ... nhằm trốn thuế.

Để thu hồi nợ thuế, từ đầu năm đến nay, ngành thuế đã ban hành 62.480 lượt thông báo đôn đốc thu nợ thuế, với tổng số tiền ghi trên thông báo là 3.207 tỷ đồng. Ban hành 731 quyết định cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng, thu được 18,3 tỷ đồng; 143 quyết định cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu được 4,3 tỷ đồng.

Qua đó, đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của 15 DN nợ thuế, với tổng vốn đăng ký 8 tỷ đồng. Đồng thời, công khai thông tin 2.381 lượt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đôn đốc, động viên Tổ hợp Technip nộp 33,1 tỷ đồng tiền nợ thuế. Tuy nhiên, đối với các khoản nợ không có khả năng thu, như bỏ địa chỉ kinh doanh, thì ngành thuế không thể đơn phương làm được, mà phải có sự phối hợp từ các cơ quan liên quan, nhưng do số lượng quá lớn, nên đòi hỏi phải có nhiều thời gian.

Phải có giải pháp tối ưu

Trao đổi về giải pháp xử lý  DN nợ thuế nhưng bỏ địa chỉ kinh doanh, Phó Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Văn Tiếp cho biết: “Sắp tới, Cục Thuế sẽ phối hợp với Công an tỉnh để trực tiếp kiểm tra những DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như mang theo hóa đơn, có sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, không đăng ký kinh doanh, chuyển nhượng dự án... và sẽ xử lý nghiêm nếu vi phạm pháp luật. Đồng thời, tiến hành cưỡng chế tài sản để thu nợ, nộp vào ngân sách nhà nước”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tiếp, để chấn chỉnh tình trạng này, cần có chế tài xử lý mạnh hơn. Theo đó, cơ quan thuế đã tham gia góp ý với dự thảo Luật Quản lý thuế, đối với những trường hợp nợ thuế mang theo hóa đơn, hoặc nợ thuế ở một mức độ nào đó mà bỏ địa chỉ kinh doanh, thì xem đây là dấu hiệu trốn thuế và phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy mới tạo sự công bằng và hình thành môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các DN.


Bài, ảnh: HỒNG HOA



 


.