Ba Tơ: Khơi thông nguồn vốn ưu đãi

02:10, 16/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2015 (Nghị định 75) và cuối năm 2016 (Quyết định 2085), nhưng đến nay chỉ có huyện Ba Tơ khơi thông được nguồn vốn vay ưu đãi, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

TIN LIÊN QUAN

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi

Thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất, nên khi nghe Nhà nước có chủ trương cho vay vốn để chăn nuôi với lãi suất ưu đãi, ông Nguyễn Văn Chín, ở thôn Suối Loa, xã Ba Động (Ba Tơ) đã làm hồ sơ vay 50 triệu đồng để mua bò sinh sản về nuôi. Ông Chín chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn này mà tôi có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, tôi tập trung chăm sóc 2 con bò giống sinh sản để có tiền trả nợ cho ngân hàng và vươn lên thoát nghèo”.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Văn Chín, ở thôn Suối Loa, xã Ba Động (Ba Tơ) đã đầu tư mua bò sinh sản về nuôi.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Nguyễn Văn Chín, ở thôn Suối Loa, xã Ba Động (Ba Tơ) đã đầu tư mua bò sinh sản về nuôi.


Tương tự, anh Phạm Văn Móa, ở  thôn Con Rã, xã Ba Bích (Ba Tơ), dù có sức khỏe, nhưng vì quá nghèo, nên không có tiền để đầu tư chăn nuôi. Mới đây, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Ba Tơ đã giải ngân cho anh Móa vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu.
 

“Nếu Nghĩa Hành vẫn không giải ngân được thì sắp tới, tỉnh sẽ rút nguồn vốn đã phân bổ để giao cho huyện Ba Tơ tiếp tục giải ngân 1 tỷ đồng nữa theo nhu cầu của người dân địa phương, nhằm tránh lãng phí vốn đã được phân bổ”.


Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh TRẦN DUY CƯỜNG

Theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Tơ Nguyễn Công Chúng, từ đầu năm 2018, đơn vị đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã có nguồn vốn được phân khai, phải kịp thời triển khai cho các hội, đoàn thể cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với các trưởng thôn họp bình xét và hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ vay vốn gửi Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để xem xét, giải ngân kịp thời.

Nhờ đó, đến nay đã giải ngân xong kế hoạch vốn giao 500 triệu đồng theo NĐ 75 cho 11 hộ vay tại 6 xã trên địa bàn huyện. Riêng cho vay theo QĐ 2085 đã giải ngân được 850 triệu đồng cho 19 hộ vay tại 4 xã, còn lại 150 triệu đồng sẽ giải ngân dứt điểm trong tháng 10.2018.

Rất cần sự quan tâm của chính quyền

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, năm 2018, chỉ có huyện Nghĩa Hành và Ba Tơ có nhu cầu về vốn theo NĐ 75 và QĐ 2085, với tổng nguồn vốn 2,5 tỷ đồng. Vì vậy, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã đề nghị trung ương phân bổ vốn cho hai địa phương trên. Tuy nhiên, đến nay chỉ có huyện Ba Tơ giải ngân được, còn huyện Nghĩa Hành thì chưa.

Theo NĐ 75, giai đoạn 2015 - 2020 của Chính phủ, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trồng rừng, chăn nuôi được vay tại Ngân hàng CSXH với lãi suất siêu ưu đãi (1,2%/năm), thời hạn vay 10 năm. Riêng QĐ 2085 của Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017 – 2020, hộ vay được hưởng lãi suất giống như hộ nghèo thông thường.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
           


 


.