Phòng chống thiên tai khu vực ven biển: Ngư dân còn chủ quan

03:09, 23/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là tình trạng ngư dân neo đậu phương tiện sai quy định, chằng chống sơ sài; lén lút sử dụng phương tiện công suất nhỏ, trang thiết bị không đảm bảo an toàn để khai thác hải sản giữa lúc mưa bão...

Những năm qua, dọc tuyến ven biển của tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ chìm tàu, hoặc bị hư hỏng nặng do thiên tai gây ra. Riêng mùa mưa bão năm 2017, toàn tỉnh có 8 chiếc tàu bị chìm, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Thực trạng này, ngoài lý do khách quan, nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan của ngư dân.

 

 Chấp hành các quy định và đảm bảo an toàn trong neo đậu tàu thuyền, góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.  ẢNH.T.PHONG
Chấp hành các quy định và đảm bảo an toàn trong neo đậu tàu thuyền, góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. ẢNH.T.PHONG


“Tàu hoạt động gần khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai, lại không về nơi tránh trú kịp thời. Vì vậy, nhiều tàu về gần đến cảng thì bị sóng đánh chìm, hoặc gây hư hỏng nặng”, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Nghĩa An Lê Văn Phúc cho biết. Điển hình như trường hợp ngư dân N.V.C. Đợt mưa lũ đầu tháng 11.2017, dù Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp thường xuyên thông báo, cập nhật thông tin và diễn biến thời tiết; đồng thời yêu cầu chủ tàu khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn. Song, ông C chậm trễ trong việc tìm nơi neo đậu, tránh trú, nên tàu bị sóng đánh mắc cạn ngay tại cảng Tịnh Hòa.

Còn chiếc tàu của ông V.B thì bị chìm, do xảy ra va đập ngay trong khu neo đậu. Thiệt hại này, ngoài nguyên nhân sóng to gió lớn, còn xuất phát từ sự chủ quan của ngư dân trong việc neo đậu tàu thuyền không an toàn và sai quy định. Theo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh, mùa mưa bão, số lượng tàu thuyền neo đậu quá lớn, nên các cảng biển, khu neo đậu luôn trong tình trạng quá tải. Chính vì vậy, một số ngư dân neo đậu tàu ở khu vực cấm, hoặc dùng dây thừng buộc vào lan can bờ kè để neo giữ phương tiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn công trình công cộng, mà còn dễ xảy ra va đập tàu thuyền.

Trong khi đó, một số ngư dân khai thác hải sản ven bờ còn lén lút sử dụng phương tiện nhỏ không đảm bảo an toàn, khai thác hải sản giữa lúc mưa bão. Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, việc làm này rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của ngư dân. Tuy nhiên, dù đã được các ngành chức năng tuyên truyền, song một số ngư dân vẫn bất chấp nguy hiểm.

Theo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh, để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, đơn vị đã tích cực sắp xếp, bố trí và hướng dẫn ngư dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trong quá trình neo đậu. Tuy nhiên, các ngành chức năng và địa phương khu vực ven biển cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về phòng chống thiên tai cho ngư dân; vận động ngư dân và chủ tàu trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định an toàn tàu cá của ngư dân để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão.


THANH PHONG



 


.