Kinh doanh trên mạng: Cần có giải pháp để thu thuế

05:09, 14/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, hoạt động mua bán, kinh doanh qua mạng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn.


Khó quản lý

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay rất đa dạng và phong phú, phạm vi kinh doanh rộng, không cần phải có cửa hàng, cửa hiệu, mà có thể diễn ra thuận tiện thông qua các thiết bị điện tử có kết nối Internet. Chỉ cần một tài khoản trên mạng xã hội, một mặt hàng có thể mua đi bán lại mà không cần mặt bằng, kho chứa, nên ai cũng có thể kinh doanh. Đối với người mua, chỉ cần "dạo một vòng" trên facebook, các trang bán hàng trên mạng là có thể mua sắm được nhiều mặt hàng, từ các món ăn cho đến thời trang và cả hàng điện tử.

Do đó, ngành thuế khó có thể xác định được doanh thu, lợi nhuận của những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh qua mạng.

Nhu cầu kinh doanh, mua sắm qua mạng ngày càng phát triển, nhưng công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn.
Nhu cầu kinh doanh, mua sắm qua mạng ngày càng phát triển, nhưng công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn.


Theo quy định pháp luật hiện hành, những cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức, như Facebook, Google, Youtube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh. Song, do nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh còn thấp, nên chưa kê khai hoặc kê khai doanh thu chưa chính xác với cơ quan thuế.

Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến chưa quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này là do ngành thuế còn gặp nhiều khó khăn trong việc nắm thông tin cá nhân, tổ chức kinh doanh; cá biệt có nhiều trường hợp không tìm ra được địa chỉ thực của người kinh doanh. Công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực kinh doanh TMĐT đòi hỏi những yêu cầu cao hơn so với thanh tra theo phương thức truyền thống và phải có phần mềm công nghệ thông tin hỗ trợ.
 

Nếu thu nhập từ kinh doanh 100 triệu đồng một năm trở lên thì phải nộp thuế. Mức thuế là 7% trên thu nhập, trong đó 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, hầu hết các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh loại hình này đều có website để quảng cáo hàng hóa. Một khi khách hàng có nhu cầu sẽ tìm kiếm hàng hóa trên mạng, sau đó nhấp chuột hoặc nhắn tin đặt mua hàng với phương thức trả tiền mặt là chủ yếu. Quá trình trao đổi hàng hóa gần như không xuất hóa đơn. Do đó, các đơn vị này kê khai hóa đơn rất thấp để không phải đóng thuế.

Cần sự phối hợp

Sự phát triển mạnh của Internet và những tiến bộ trong công nghệ thông tin đã tạo ra hình thức kinh doanh TMĐT ngày càng phát triển. Riêng đối với địa bàn Quảng Ngãi, tuy chưa phát triển mạnh như các thành phố lớn, nhưng cũng đang phát triển rất sôi động. Trước thực tế đó, Cục Thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 4875/2017 chỉ đạo các sở, ngành, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trên địa bàn, UBND các huyện, thành phố phối hợp cùng cơ quan thuế tăng cường quản lý, chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các sở, ngành và các đơn vị liên quan với cơ quan thuế trong thời gian qua chưa thật sự có hiệu quả. Sau hơn một năm triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, kết quả chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn đạt kết quả còn thấp.

Để công tác quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT ngày càng hiệu quả, thời gian tới, ngành thuế sẽ thành lập bộ phận theo dõi để rà soát các loại hàng hóa bán trên các trang web, trang mạng xã hội, phương thức thanh toán, phương thức giao hàng. Qua đó, thực hiện xác minh tài khoản tại các ngân hàng, đơn vị vận chuyển để xác định doanh thu thực tế của cá nhân, tổ chức bán hàng, đối chiếu với tờ khai thuế và yêu cầu hộ kinh doanh kê khai để nộp thuế, hoặc tiến hành xử lý theo quy định.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


 


.