Khai thác công trình thủy lợi: Cần phát huy hiệu quả xã hội hóa

04:09, 26/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và quản lý, khai thác công trình thủy lợi (CTTL) không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách, mà còn phát huy hiệu quả công trình, nâng cao chất lượng các dịch vụ thủy lợi. Song, việc xã hội hóa thủy lợi cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Toàn tỉnh hiện có 717 CTTL, gồm 122 hồ chứa nước, 459 đập dâng, 6 đập ngăn mặn và 130 trạm bơm. Trong đó, 196 CTTL đã hư hỏng, xuống cấp nặng, ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước. Nguyên nhân là hầu hết các CTTL không được đầu tư xây dựng đồng bộ, thời gian sử dụng công trình trên 20 năm, nhưng vì thiếu kinh phí, nên không được duy tu, sửa chữa thường xuyên.

 

 Xã hội hóa đầu tư, khai thác và quản lý công trình thủy lợi sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng công trình cũng như chất lượng dịch vụ thủy lợi.Luật Thủy lợi tạo sự hấp dẫn để xã hội hóa
Xã hội hóa đầu tư, khai thác và quản lý công trình thủy lợi sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng công trình cũng như chất lượng dịch vụ thủy lợi.

 

Vì vậy, năng lực tưới thực tế của các CTTL chỉ đạt 60.000/89.500ha đất nông nghiệp, đáp ứng 67% nhu cầu. Để đạt được mục tiêu cấp đủ nước tưới cho 70 nghìn hecta đất nông nghiệp và phục vụ sản xuất công nghiệp, dân sinh vào năm 2020, các CTTL này cần phải được nâng cấp, sửa chữa và xây mới, với tổng kinh phí trên 859 tỷ đồng.   

 

Luật Thủy lợi tạo sự hấp dẫn để xã hội hóa

Luật Thủy lợi có hiệu lực từ ngày 1.7.2018, với nhiều điểm mới mang tính đột phá. Đặc biệt là vấn đề xã hội hóa khai thác, quản lý CTTL, với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực từ tư nhân cho lĩnh vực này. Theo đó, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư các CTTL đặc biệt quan trọng, CTTL kết hợp phục vụ quốc phòng - an ninh và phòng chống thiên tai, CTTL miền núi, vùng khó khăn... Đối với CTTL nhỏ, thủy lợi nội đồng thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ, còn các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm đầu tư. Ngoài ra, việc chuyển từ “phí thủy lợi” sang “giá thủy lợi” được xem là yếu tố hấp dẫn để thu hút các nguồn lực tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác CTTL, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

 

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Võ Quốc Hùng: “Xã hội hóa đầu tư, khai thác và quản lý CTTL là cần thiết”

Hầu hết các CTTL do ngân sách đầu tư, vì kinh phí xây dựng lớn, rủi ro cao, thời gian thực hiện dài, nhưng lợi nhuận thấp. Vì vậy, trong nhận thức, đây là các công trình “bao cấp”, nên việc quản lý, khai thác và sử dụng chưa hiệu quả. Thậm chí, nhiều công trình xây xong rồi... để đó, gây lãng phí. Chính vì vậy, xã hội hóa khai thác và quản lý CTTL là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần kéo dài thời gian sử dụng công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như chất lượng phục vụ các dịch vụ thủy lợi.

Hơn nữa, xã hội hóa khai thác, quản lý CTTL sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đối tượng sử dụng dịch vụ thủy lợi, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Theo Luật Thủy lợi, “phí thủy lợi” được chuyển sang “giá thủy lợi”, để gắn trách nhiệm của bên cung cấp và sử dụng dịch vụ thủy lợi; đồng thời giúp người sử dụng dịch vụ thủy lợi hiểu rõ bản chất nước là sản phẩm hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Vấn đề đặt ra là, Nhà nước phải quy định cụ thể giá nước cho từng loại hình, đảm bảo tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường và phản ánh đúng thực tế hệ thống CTTL.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh: “Phải có cơ chế thu hút đầu tư, không “khoán trắng” cho doanh nghiệp”

Hạ tầng thủy lợi thiếu đồng bộ, nhiều CTTL bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo năng lực cấp, thoát nước. Trong khi đó, nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí không đủ thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa. Vì vậy, trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, việc huy động các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này là cần thiết.
 
Tuy nhiên, để xã hội hóa thủy lợi thành công, các ngành chức năng cần quy định rõ cơ chế, trách nhiệm quản lý đầu tư, tránh tình trạng chồng chéo; đồng thời ban hành chính sách khuyến khích đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp tham gia. Hơn nữa, Nhà nước cần rà soát, đánh giá hiện trạng các CTTL để có hướng đầu tư xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, ngoài sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cũng cần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tiếp cận đa mục tiêu, đa ngành, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân: “Nếu không quản lý chặt, xã hội hóa CTTL sẽ khó đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp”

Thủy lợi liên quan đến sản xuất nông nghiệp, “bà đỡ” của nền kinh tế. Vì vậy, đầu tư hiện đại hóa hạ tầng cũng như quản lý, khai thác CTTL là rất quan trọng. Nhất là khi nhiều CTTL trên địa bàn tỉnh hiện đã bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo năng lực tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, cũng như các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc xã hội hóa khai thác các CTTL phải được các ngành chức năng kiểm soát và quản lý chặt chẽ, để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, việc xã hội hóa lĩnh vực thủy lợi cũng cần tính toán tác động của công trình đến đời sống người dân và môi trường. Bởi thực tế, vấn đề đầu tư xây dựng và quản lý CTTL hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, gây ra những hậu quả lớn, ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường và đời sống của người dân. Chính vì vậy, xã hội hóa khai thác CTTL không nên quá tập trung vào các công trình quy mô lớn, mà cần ưu tiên đầu tư những công trình ứng dụng công nghệ cao, để vừa tránh lãng phí, vừa hạn chế những tác động không mong muốn của công trình đối với đời sống của người dân cũng như môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa): “Không tạo gánh nặng cho nông dân”

Sản xuất nông nghiệp manh mún, nên hiệu quả thấp, đời sống của không ít nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, từ khi Nhà nước thực hiện các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là việc cấp bù thủy lợi phí, đã giúp nông dân giảm áp lực chi phí sản xuất.
 
Tuy nhiên, khi các CTTL được xã hội hóa, liệu có tăng gánh nặng chi phí sản xuất cho nông dân. Bởi, giá nước sẽ được tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường, lúc đó, nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất của nông dân sẽ tính như thế nào?
 
Hơn nữa, dù xã hội hóa CTTL sẽ chống độc quyền trong việc cung cấp các dịch vụ thủy lợi, nhưng việc kiểm soát chất lượng, số lượng đầu vào và đầu ra liệu có đảm bảo tính công bằng?


 

 


.