(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 64 chiếc “tàu 67” (52 tàu vỏ gỗ, 11 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ composite) đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Phần lớn các tàu này đều hoạt động hiệu quả, có tàu mỗi chuyến biển lãi hàng trăm triệu đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
An toàn và hiệu quả
Tàu vỏ gỗ của ngư dân Dương Hận, công suất 450CV được đánh giá là một trong những chiếc “tàu 67” hoạt động hiệu quả nhất ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). Năm 2016, ông Hận đăng ký tham gia đóng tàu mới theo Nghị định 67, với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng, để hành nghề lưới rê ở vùng biển Trường Sa.
Lao động trên tàu ông Dương Hận, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) chuẩn bị đá lạnh cho chuyến vươn khơi. |
Từ khi hạ thủy (cuối năm 2016) đến nay, chiếc tàu luôn mang lại niềm vui cho ông Hận với những chuyến biển đầy cá. “Tàu to, máy lớn, trang thiết bị hiện đại, nên hoạt động rất an toàn và hiệu quả. Từ đầu năm 2018 đến nay, nghề biển tuy khó khăn, nhưng mỗi lao động trên tàu vẫn kiếm được gần 20 triệu đồng, còn tôi cũng lãi hơn 160-200 triệu đồng/chuyến. Điều này không chỉ giúp tôi có điều kiện bám biển, mà còn đảm bảo việc trả nợ cho ngân hàng”, ông Hận cho biết.
Còn chiếc tàu công suất 540CV của ông Lê Hồng Vinh ở cùng thôn, hành nghề lưới rê đáy cũng hoạt động khá hiệu quả. “Tàu công suất lớn chịu được sóng to gió lớn, cộng với sự hỗ trợ của các loại máy móc, nên phiên biển nào khai thác cũng hiệu quả”, ông Vinh chia sẻ. Từ khi hạ thủy vào năm 2016, bình quân mỗi chuyến biển ông Vinh lãi trên 150 triệu đồng, hàng chục lao động làm việc trên tàu cũng có thu nhập ổn định từ 10-15 triệu đồng/chuyến. Chính vì vậy, các lao động luôn gắn bó với tàu ông Vinh để bám ngư trường Trường Sa.
Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Nghĩa An Lê Văn Phúc cho biết: Toàn xã có 41 chiếc “tàu 67”, trong đó có 39 tàu vỏ gỗ. Hầu hết các “tàu 67” hoạt động khá hiệu quả, nhất là các tàu hành nghề lưới rê. Bình quân mỗi chuyến biển, ngư dân có lãi từ 150-200 triệu đồng. “Điều đó cho thấy, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp ngư dân trong xã có điều kiện hiện đại hóa đội tàu, nâng cao hiệu quả khai thác, cải thiện thu nhập, yên tâm bám biển”, ông Phúc khẳng định.
“Thời gian tới, các ngành liên quan tập trung kiểm tra, theo dõi tình hình đóng mới và sản xuất của các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngư dân; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp theo khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”.
|
Tiếp tục hỗ trợ ngư dân
Việc thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ không chỉ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất, vững tin bám biển, mà còn củng cố niềm tin của ngư dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, hiện nay tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ ngư dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các chính sách, nhất là nội dung hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu cá theo Nghị định 17.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn, chuyển giao cho ngư dân các kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; triển khai thực hiện công tác lắp đặt các trang thiết bị thông tin liên lạc do Bộ NN&PTNT phân bổ cho ngư dân trên địa bàn tỉnh...
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT theo dõi, đôn đốc các đơn vị đóng tàu, nhất là tàu vỏ thép phải kịp thời khắc phục những sự cố, hư hỏng trên tàu cho ngư dân; đồng thời kiến nghị trung ương xây dựng, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đặc biệt là tàu vỏ thép.
Bài, ảnh: MỸ HOA