(Báo Quảng Ngãi)- Khác với cầm đồ, hay "tín dụng đen", các công ty tài chính khi thực hiện thủ tục cho khách hàng vay thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với người vay, cần phải đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng để tránh bị áp mức lãi suất cao và những khoản phạt khi trả chậm.
Hỏi kỹ về lãi suất và phí
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công ty tài chính cho vay tiêu dùng, với nhiều hình thức, như cho vay trả góp, cho vay tiền mặt, nhưng với số tiền không lớn (dưới 10 triệu đồng). Thủ tục vay đơn giản rất nhiều so với làm thủ tục vay tại ngân hàng, vì không phải thế chấp tài sản. Vì thế, ngày càng có nhiều khách hàng tham gia vay vốn tại các công ty tài chính, nhưng lại ít quan tâm đến các điều khoản ghi trong hợp đồng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tranh cãi, khiếu nại giữa người vay và bên cho vay, nhưng phần thiệt luôn nghiêng về phía người vay, vì lý do không đọc kỹ hợp đồng.
Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng bằng hình thức trả góp đang được nhiều khách hàng lựa chọn, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu. |
Do vậy, khi vay trả góp, ngoài việc hỏi nhân viên lãi suất bao nhiêu phần trăm trong một tháng, một năm, người vay cần nhờ tư vấn viên của các công ty tài chính tính toán cụ thể tổng số tiền lãi phải trả trong từng tháng, cũng như trong suốt thời gian vay. Nhìn vào bảng tính này, người vay sẽ dễ hình dung số tiền gốc và tiền lãi phải trả hằng tháng là bao nhiêu, để cân nhắc khả năng trả nợ trước khi ký hợp đồng cho vay.
Anh Nguyễn Văn Cường (TP.Quảng Ngãi), người từng mua xe trả góp thông qua một công ty tài chính chia sẻ: “Do cần phương tiện để đi, nên tôi chỉ nghe qua tư vấn, còn lại không xem kỹ nội dung ghi trong hợp đồng, nên sau này tìm hiểu kỹ tôi mới phát hiện mình phải trả lãi suất cao gấp 2-3 lần so với lãi suất thực, khiến việc trả nợ của tôi gặp nhiều khó khăn”. |
Không riêng các công ty tài chính, nhiều ngân hàng cũng tính gộp luôn khoản tiền bảo hiểm vào khoản vay và trừ thẳng trước khi giải ngân cho khách. Về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, sai sót trên thuộc về bên cho vay. Bởi về nguyên tắc, các nhân viên phải nói rõ cho khách hàng trước khi ký hợp đồng. Tuy nhiên, về phía người vay cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ mọi điều khoản trên hợp đồng để tự bảo vệ mình.
Không nên vay quá nhiều
Với ý nghĩa kích cầu tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng hiện đã đáp ứng nhu cầu tức thời của không ít bạn trẻ, giúp họ sở hữu được những món đồ thiết yếu trong cuộc sống, như điện thoại, xe máy... Nhưng với người không có kế hoạch tài chính cá nhân, đây có thể là “con dao hai lưỡi”. Vì vậy, người tiêu dùng nên tính toán kỹ mức thu nhập của mình trước khi vay.
Theo đó, việc trả nợ chỉ nên trong khoảng 30-40% tổng thu nhập trong tháng. Với tỷ lệ này, người vay sẽ hạn chế khả năng rơi vào “khủng hoảng” tài chính và không phải lo đi vay nợ mới trả nợ cũ, tránh tình trạng nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con.
Theo quy định, mọi khoản vay trong quá khứ của khách hàng tại các ngân hàng, cũng như công ty tài chính, dù số tiền nhỏ hay lớn, đều được liên kết lưu trữ tại hệ thống dữ liệu tín dụng của Trung tâm Tín dụng Quốc gia (CIC) và có ý nghĩa trong những lần vay vốn tương lai. Nếu có “vết đen” vì trả chậm, hay nợ xấu tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào, các đơn vị cho vay trước khi quyết định cho vay đều sẽ tìm hiểu lịch sử tín dụng của từng khách hàng trên hệ thống CIC và “cảnh giác” hơn đối với hồ sơ vay mới này.
Giám đốc LienVietPostBank Dung Quất Lê Thanh Nghị cho biết: “Không ít khách hàng khi đến hỏi vay tại ngân hàng mới vỡ lẽ là không thể vay được, vì họ đã bị nợ xấu khi vay tiền của công ty tài chính. Trong đó, có trường hợp chỉ nợ có một triệu đồng, nhưng đã xếp vào nợ xấu thì ngân hàng sẽ phải thận trọng đối với những trường hợp này khi cho vay”.
Bài, ảnh: HỒNG HOA