(Báo Quảng Ngãi)- Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn, những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh), luôn chú trọng đổi mới và đa dạng hóa các nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động ở nông thôn.
Nông dân hưởng lợi
“Không chỉ nắm bắt được tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm, mà qua các lớp tập huấn do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tổ chức đã giúp tôi biết cách phát hiện, chăm sóc và điều trị gia cầm mắc bệnh, hạn chế thiệt hại cho gia đình và phòng, tránh lây lan ra ngoài cộng đồng”, bà Lê Thị Tường Vy, thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong (Mộ Đức) chia sẻ.
Thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề, nhiều nông dân trong tỉnh đã biết vận dụng các kiến thức đã học để chăm sóc đàn gia súc. |
Dù chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) với số lượng lớn, nhưng bà Vy rất lúng túng trong việc sử dụng thuốc thú y, cũng như cách phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khóa học nghề về phòng, chống dịch bệnh, sử dụng thuốc trong chăn nuôi, do trung tâm tổ chức, bà Vy đã biết cách phát hiện và điều trị bệnh bước đầu cho GSGC, biết lựa chọn và sử dụng các loại thuốc thú y an toàn, cũng như biện pháp, thời gian cách ly GSGC khi mắc bệnh.
Nhiều nông dân trong tỉnh sau khi hoàn thành các khóa học nghề, lớp tập huấn do trung tâm tổ chức cũng đã vận dụng hiệu quả các kiến thức được học vào sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả, như mô hình sản xuất nấm, nuôi cá nước ngọt, trồng rau an toàn... Song song với việc tổ chức dạy nghề, trung tâm còn kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng trên 10 nghìn cây giống các loại, bao tiêu trên 100 tấn nông sản cho nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp triển khai chương trình “mua phân bón trả chậm”, với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng...
Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ; phổ biến các chính sách vay vốn ưu đãi cho hội viên nông dân; tư vấn, giới thiệu hàng trăm lao động ở nông thôn có việc làm ở các thị trường trong và ngoài nước.
Nâng cao hiệu quả
Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Lê Trung Việt cho biết: Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, đưa công tác dạy nghề đáp ứng nhu cầu của nông dân cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đặc biệt là đào tạo một số nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường”.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng sẽ chủ động phối hợp và liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tiếp tục triển khai các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nông dân vốn, nguồn giống, khoa học kỹ thuật, cũng như trang thiết bị phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nông dân và lao động nông thôn, miền núi còn hạn chế thời gian đi học; kinh phí hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nghề còn thấp, định mức chi chưa phù hợp với tình hình thực tế... "Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực của trung tâm, chúng tôi cũng rất mong chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để công tác dạy nghề cho nông dân và lao động nông thôn ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn”, ông Lê Trung Việt cho biết thêm.
Nông dân vận dụng hiệu quả kiến thức đã học Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã tập huấn, phối hợp đào tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 10 nghìn lượt nông dân; tổ chức 36 lớp dạy nghề cho gần 1.000 hội viên; đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho gần 1.300 người; liên kết mở 3 lớp cao đẳng và trung cấp nghề cho 120 học viên... Kết quả có 80% nông dân được đào tạo, tập huấn sử dụng có hiệu quả kiến thức đã học, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nông dân. |
Bài, ảnh: THANH PHONG