(Baoquangngai.vn)- Trung tâm Khuyến nông phối hợp cùng Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Bình Định vừa tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình trình diễn phân bón Mặt trời chuyên dùng cho cây lúa vụ hè thu năm 2018 tại 4 điểm xã thuộc các huyện Binh Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa.
Từ tháng 6.2018, Trung tâm đã phối hợp với HTX địa phương triển khai mô hình thử nghiệm phân bón nhãn hiệu Mặt trời gồm BT1, BT2, BT3 trên diện tích đất ruộng của bà con nông dân để so sánh với cách sử dụng các loại phân đơn hiện nay.
Tại điểm xã Bình Dương (Bình Sơn), mô hình được triển khai trên diện tích 2.500m2 của gia đình ông Bạch Hùng với giống lúa Bắc Thịnh, tiến hành theo quy trình chăm bón là bộ sản phẩm phân bón Mặt trời, bao gồm BT1, BT2, BT3, thời gian sinh trưởng từ khi sạ đến trổ đòng 50% khoảng 65 ngày.
Sau gần 3 tháng triển khai, mô hình thử nghiệm sử dụng phân bón Mặt trời đã cho kết quả vượt trội, hiệu quả rõ rệt so với mô hình ruộng đối chứng khi sử dụng loại phân đơn (urê, lân, kali). Sau khi thăm đồng, bà con nông dân đều nhận xét cây lúa sinh trưởng phát triển rất tốt, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, bông lúa trổ đều, dài hơn, tỷ lệ hạt lép ít khi sử dụng loại phân bón Mặt trời.
Bà con tham quan mô hình. |
Tuy chi phí đầu tư phân bón, 1 ha ruộng của mô hình cao hơn ruộng đối chứng là 880.000 đồng, nhưng bù lại năng suất cao, đạt trên 62 tạ/ha, cao gần 4 tạ/ha so với ruộng đối chứng. Vì vậy, hiệu quả kinh tế đem lại cũng cao hơn, ruộng mô hình cho thu lãi gần 9 triệu đồng/ha, còn ruộng đối chứng chỉ cho lãi 7,5 triệu đồng/ha.
Việc sử dụng phân bón Mặt trời đảm bảo chất lượng, cân đối, giúp cây lúa phát triển; đồng thời góp phần làm giảm công lao động và tăng thu nhập cho nông dân. Bà con nông dân cũng kiến nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh và công ty mở rộng mô hình trình diễn đến nhiều địa phương khác trong tỉnh; đồng thời hướng dẫn cách sử dụng phân bón phù hợp với từng chân đất để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tin, ảnh: P.TIÊN