Để hương chè Minh Long bay xa

10:08, 02/08/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Bén rễ hàng trăm năm trên mảnh đất Minh Long, cây chè đã có thương hiệu nức tiếng. Trải bao mưa nắng, hút bao dưỡng chất của đất, ngậm hạt sương sa của trời, những đồi chè vẫn ngút ngát một màu xanh tươi cùng cuộc sống của bà con người Hrê nơi núi rừng. 
 
-----------------
 
“Thuốc bổ” giữa đại ngàn
 
Chè Minh Long trở thành niềm tự hào cùng những sản vật ghi danh vào những sản vật quý giá của xứ Quảng như tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng. Minh Long có những đồi chè rộng lớn, chất lượng thơm ngon, mang đậm hương vị tinh túy của đất trời. 
 
Không phải là dân sành uống chè, nhưng khi men theo những con đường bê tông uốn lượn dẫn vào các xóm làng, chúng tôi cảm nhận rõ mùi thơm đặc trưng của vùng chè từ những bó chè tươi người dân hái về để ven đường. 
 
Dẫn chúng tôi lên thăm rẫy chè, anh Đinh Văn Bồ, một người dân ở thôn Công Loan, xã Thanh An bộc bạch: Chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện chặt bỏ nó để thay thế cho các loại cây trồng khác. Không biết vườn chè có từ bao giờ, chỉ biết anh theo ông nội lên rẫy hái chè từ thuở bé. Trải qua gần nửa thế kỷ bám rễ trên đồi rẫy, đồi chè vẫn xanh tốt mượt mà. 
 
 

Trải qua bao mưa nắng, cây chè vẫn xanh mướt cùng cuộc sống của người Hrê Minh Long nơi núi rừng.

 
Hiện tại, gia đình anh Bồ còn hơn 0,5 ha rẫy chè truyền thống từ đời ông bà để lại. Anh Bồ so sánh, cây chè có giá trị kinh tế cao hơn gấp 10 lần cây keo. Một ha keo, trung bình một ngày kiếm được chỉ khoảng 25.000 đồng. Với rẫy chè, vợ anh vừa chăn bò vừa hái chè cũng bán được 150.000 đến 200.000 đồng/ngày. 
 
Mỗi năm, rẫy chè mang về cho gia đình anh khoảng 40 triệu đồng. Thấy chè đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây khác, 2 năm trước, anh Bồ trồng thêm 14.000 gốc chè trên diện tích 1ha. 
 
Trò chuyện với cụ Đinh Văn Rin, ở thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp đang chăn bò trên rẫy, cụ cũng bật mí, nhà cụ có một rẫy chè 5 sào. Mỗi năm cho thu nhập 15 triệu đồng. 
 
Hỏi về những cây chè cổ thụ, cụ Rin miệng món mém nhai trầu cười: “Vào rừng mà coi, trong đó nhiều cây chè cao lắm. Từ thời mình còn bé nó đã lớn rồi. Ngày nào đi chăn bò, tôi cũng hái 10 bó về bán, để lại vài nhánh nấu nước uống cho cả nhà. Uống nước chè người cứ khỏe ra, da dẻ hồng hào. Người Hrê gọi cây chè là thuốc bổ của rừng”.
 
----------------
 
Để hương chè Minh Long bay xa
 

 

 

Thương hiệu "Chè Minh Long". Ảnh: TL

 

Thương hiệu "Chè Minh Long". Ảnh: TL

 

Chè hái về, bà con bứt những đọt non mang đi rửa sạch cho vào ấm, sau đó đổ nước sôi vào. Chỉ sau vài phút màu nước chuyển sang màu vàng sóng sánh rất đẹp. Hương vị chè Minh Long có đặc trưng riêng, vị chan chát ban đầu, nhưng rất thơm, đậm đà để lại vị ngòn ngọt đọng lại trên đầu lưỡi. Vì thế mà chè xanh Minh Long được ưa chuộng hơn loại chè trồng từ các vùng đất khác. 

Trước đây, vùng này bạt ngàn đồi chè. Nhưng do phong trào trồng cây nguyên liệu phát triển mạnh nên nhiều người dân chặt bỏ cây chè truyền thống. Hiện tại, toàn huyện chỉ còn khoảng 70ha chè. Chè trở nên khan hiếm hơn, thương lái phải tranh giành nhau thu mua, giá chè tăng vọt từ 3.000 - 5.000 đồng/bó lên 7.000 - 10.000 đồng/bó. 
 
Từ lợi ích kinh tế và bảo tồn giá trị, phát triển sản phẩm chè truyền thống của địa phương, huyện Minh Long đã xây dựng thương hiệu và được xác lập nhãn hiệu “Chè Minh Long”.
 
Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Hiệp Nguyễn Đình Dũng, cho biết, HTX đã mở 14 đại lý trong tỉnh để cung cấp sản phẩm “Chè Minh Long” đến người tiêu dùng. HTX cũng đã làm việc với một số chi nhánh của hệ thống siêu thị Co.op Mart để đưa sản phẩm vào siêu thị. 
 
Trong dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Chè Minh Long”, huyện hỗ trợ các địa phương  trồng mới 6ha chè. Với mô hình trồng thí điểm này, nhằm giúp bà con biết kỹ thuật trồng chè, chăm sóc và thu hái chè. 
 
 

Cây chè Minh Long rất cần được bảo tồn và nhân rộng.

 
Sau khi sản phẩm chè Minh Long được xác lập nhãn hiệu, Trạm Khuyến nông huyện Minh Long vừa xây dựng dự án “Trồng chuyên canh cây chè tại huyện Minh Long, giai đoạn 2019 - 2023” và đang xin chủ trương đầu tư. 
 
Nếu được phê duyệt, dự án sẽ tiến hành trồng mới vùng chuyên canh chè gần 600ha chè, đào tạo cho nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè. Đến năm 2027, với khoảng 700ha chè, hằng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 - 15.000 tấn chè tươi phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và chế biến chè khô. Doanh thu ước đạt từ 90 - 120 triệu đồng/ha. 
 
Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Minh Long Nguyễn Đăng Đàm cho biết, để vực dậy cây chè truyền thống, giúp thương hiệu chè Minh Long vươn xa, huyện rất mong tỉnh cho chủ trương đầu tư để thực hiện dự án. 
 
Không chỉ dừng lại ở sản xuất và tiêu thụ chè tươi, huyện sẽ có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trà Minh Long ngay tại địa phương để giảm thiểu chi phí trong công tác chế biến, giảm giá thành sản phẩm mà chất lượng vẫn đảm bảo.
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 
 
 

.