(Báo Quảng Ngãi)- Số lượng tàu khai thác hải sản và tỷ lệ nghề lưới kéo không những không giảm, mà còn có xu hướng gia tăng. Đây được xem là sự phát triển “chệch hướng” so với mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản.
Theo Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, đến năm 2020, số lượng tàu thuyền toàn tỉnh còn 5.000 chiếc, tỷ lệ nghề lưới kéo tầng đáy cũng giảm còn dưới 25%. Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, ngành nông nghiệp tích cực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá theo hướng tăng số lượng tàu công suất lớn, giảm tàu công suất dưới 90CV. Ngoài ra, từ ngày 1.12.2015, UBND tỉnh cũng ban hành công văn chỉ đạo tạm ngừng việc phát triển tàu cá hành nghề lưới kéo và nghề lặn, bao gồm cả đóng mới.
Ngư dân hành nghề lưới kéo hiện gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề. |
Tuy nhiên, so với năm 2013, đến cuối năm 2017, số lượng tàu của ngư dân trên địa bàn tỉnh tăng từ 5.152 chiếc lên 5.667 chiếc, tỷ lệ nghề lưới kéo cũng tăng từ 31,6% lên 33,8%. Điều này cho thấy, các giải pháp thực hiện chưa thực sự căn cơ, nhất là việc “cấm đóng mới tàu” hành nghề lưới kéo.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, năm 2017, Chi cục đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thu hồi 3 giấy phép hoạt động của 3 tàu hành nghề lưới kéo hoạt động trái phép. Trong 6 tháng đầu năm 2018, số tàu hành nghề lưới kéo cũng đã giảm 11 chiếc. |
“Nhà nước ban hành lệnh cấm phát triển, cấm đóng mới tàu hành nghề lưới kéo, nhưng không có bất kỳ biện pháp hỗ trợ, hoặc định hướng nào cho ngư dân, chẳng khác nào chặn đường mưu sinh của chúng tôi”, ngư dân Nguyễn Văn An, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) bày tỏ.
Chính vì vậy, từ khi Bộ NN&PTNT đưa nghề lưới kéo vào diện “cấm phát triển”, UBND tỉnh cũng “cấm đóng mới tàu”, ngư dân vừa chấp hành, vừa... trông cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề!.
Theo phản ánh của nhiều ngư dân, lưới kéo được xem là nghề “cha truyền con nối” của hàng nghìn ngư dân, chủ yếu là ở các xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), nên việc chuyển đổi nghề sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, dù biết nghề lưới kéo làm hủy diệt môi trường sinh thái, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản, nhưng chính ngư dân cũng lực bất tòng tâm.
“Chúng tôi ý thức được tác hại của nghề lưới kéo, nên cũng muốn chuyển nghề khác, để yên tâm sản xuất. Nhưng chuyển nghề gì, vốn ở đâu để sắm trang thiết bị và ngư lưới cụ hành nghề mới”, ngư dân Trần Văn Nguyên, xã Nghĩa An đặt câu hỏi.
Chính vì vậy, dù lệnh cấm đã được ban hành từ năm 2015, nhưng đến năm 2017, tàu hành nghề lưới kéo ở tỉnh ta vẫn có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân là do ngư dân ra ngoài tỉnh mua, hoặc đóng mới tàu; thậm chí nhờ người đứng tên mua hộ tàu.
Để hạn chế tình trạng này, cũng là giúp cơ cấu nghề khai thác hải sản chuyển dịch đúng định hướng, tỉnh cần thực hiện các giải pháp căn cơ hơn, trong đó có việc xem xét ban hành cơ chế hỗ trợ việc định hướng và chuyển đổi nghề cho ngư dân hành nghề lưới kéo.
Bài, ảnh: THANH PHONG