Một mùa biển khó khăn

09:07, 30/07/2018
.

(Baoquangngai.vn) – Mùa biển chính, tại các cảng cá đìu hiu, quạnh vắng. Những gương mặt ngư dân khắc khổ trở về sau chuyến biển dài ngày. Đầu nậu, nghề rỗi thở dài thườn thượt vì mùa biển thất bát.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi đến cảng Sa Kỳ, Tịnh Kỳ là nơi cập cảng của hàng trăm tàu thuyền mỗi ngày, nơi kiếm sống của hàng nghìn người với những công việc liên quan đến khuân, vác, vận chuyển cá (nghề rỗi), đâu đâu cũng bắt gặp cảnh tàu nằm bờ. Cảng cá vắng hoe, thỉnh thoảng có vài ba chiếc thuyền cập cảng trong nỗi buồn biển thất bát.
 
Buồn hiu ngồi nhìn đầu nậu cân rỗ cá ít ỏi sau chuyến ra khơi dài ngày, anh Nguyễn Nhựt, một chủ tàu ở xã Bình Châu (Bình Sơn) buồn bã cho biết, tàu của anh hành nghề lặn ở Hoàng Sa, 5 con người bám mình nơi đầu sóng ngọn gió 17 ngày đêm, thu về chưa đầy 7 tạ cá, bán được khoảng hơn 30 triệu đồng, lỗ tổn gần 40 triệu đồng, chưa kể tiền ăn.
 
“Năm ngoái, mỗi chuyến về ít nhất cũng được 8 tấn, có chuyến đạt 15 tấn, anh em kiếm được năm bảy triệu. Năm nay, anh em không được đồng nào mang về nuôi vợ, cho con. Hầu như tàu nào cũng thế, nhiều tàu phải chạy vào tận cảng Nha Trang bán cá vì trong đó được giá hơn ở mình” - anh Nhựt thở dài.
 
 
Sản lượng khai thác thủy hải sản giảm đáng kể,
Sản lượng khai thác sụt giảm nghiêm trọng, ngư dân đang khốn đốn.
 
 
Dừng chân bên một tàu cá của ngư dân Lý Sơn, chúng tôi bắt chuyện với ngư dân Dương Văn Giàu ở xã An Vĩnh. Ánh mắt buồn rười rượi, anh Giàu nói: Những mùa biển trước, mỗi chuyến biển thường thu về 10 tấn hải sản các loại, trừ chi phí có chuyến biển anh em bạn chia nhau cả 10 triệu đồng. Còn năm nay đang là vụ chính nhưng sản lượng sụt giảm hơn một nửa, nhiều chuyến anh em tay trắng. 
 
Không chỉ ngư dân theo tàu khai thác xa bờ khốn đốn, ngư dân ở các làng chài bãi ngang ven biển cũng treo thuyền vì biển thất thu mà nguyên nhân chính từ đội ngũ hùng hậu tàu giã cào. 
 
Bà Trần Thị Hương, một đầu nậu chuyên thu mua hải sản ở TP.Quảng Ngãi an ủi: Nghề biển có lúc được lúc mất, nhưng mùa này biển đói nhất từ trước đến giờ. Các đậu nậu phải tranh giành mua từng ký cá, trong khi các mùa biển trước, một người có thể mua cả 5 - 7 tấn  hải sản chỉ trong buổi sáng. 
 
Ngày xưa, biển trù phú, đầy tôm cá, những năm gần đây do đội tàu thuyền phát triển ồ ạt đã làm cho nguồn lợi thủy sản trên các ngư trường đang dần bị tận diệt. 
 
 

Biển thất bát, giờ đây, chủ tàu đối mặt với nỗi lo tìm bạn đi biển. 

 

Biển thất bát, ngoài nỗi lo chống chọi với những hiểm nguy luôn rình rập trên biển, giờ đây, chủ tàu còn phải đối mặt với nỗi lo tìm bạn đi biển. 

Trước mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, chủ tàu phải “giữ chân” người đi bạn bằng cách cho họ tạm ứng để họ có tiền nuôi vợ con. Sau mỗi chuyến đi, trừ toàn bộ chi phí, việc ăn chia giữa chủ tàu với người đi bạn thường được chia theo tỉ lệ đã thỏa thuận từ trước. 
 
Sản lượng thủy hải sản sụt giảm, tàu về lỗ tổn, chủ tàu, ngư dân khốn đốn. Không ít ngư dân bỏ biển làm thuê trên bờ. Hàng loạt tàu thuyền nằm bờ nhiều tháng qua khiến cho chủ tàu điêu đứng. 
 
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn, một trong những nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản ngày cạn kiệt là số lượng tàu thuyền phát triển ngày càng nhanh, trang thiết bị, máy móc công suất lớn, hiện đại nên cường lực khai thác quá mức so với trữ lượng khai thác của nguồn lợi thủy sản. 
 
Đội ngũ tàu giã cào cũng góp phần khiến nguồn lợi thủy hải sản suy kiệt nghiêm trọng. Mặc dù trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, cấm phát triểm thêm đội ngũ tàu giã cào, kể cả nâng cấp, cải hoán.
 
Tuy nhiên do không có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nên một bộ phận ngư dân ý thức kém đã “lách luật” xin chuyển sang nghề lưới vây, lưới rê, nhưng khi ra biển quay trở lại hành nghề giã cào. Lực lượng chức năng thì mỏng, rất khó phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. 
 
 
Bài, ảnh: C.P
 
 

.