Giáo viên 8X đam mê sáng tạo sản phẩm mây tre đan

08:07, 22/07/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Làng nghề mây, tre đan ở Tịnh Ấn Tây, đang dần mất đi vị thế và bị mai một theo năm tháng. Thế nhưng, với tâm huyết và bằng cách làm mới, chị Nguyễn Nữ Tôn Linh ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) quyết “giữ lửa” và đem lại sức sống mới cho làng nghề.

Duyên với mây tre đan
 
Xuất thân từ gia đình không có truyền thống làm nghề mây tre đan. Hơn nữa, lại là một giáo viên mỹ thuật, thế nhưng chị Nguyễn Nữ Tôn Linh vẫn được nhiều người biết đến với nghề mây tre đan. 
 
Đang say sưa luồn từng cộng mây tre vào khung, chị Linh tâm sự: “Đến với nghề và say nghề, nó như một cái duyên. Sở thích cắm hoa từ nhỏ, cho đến khi mở được một cửa hàng bán hoa, qua thời gian gắn bó công việc cắm hoa thì niềm đam mê làm giỏ cắm hoa bằng mây, tre đã ăn sâu vào tôi lúc nào không hay”. 
 
Thời gian đó, niềm đam mê cứ thế thôi thúc chị sang thôn Cộng Hòa 1, xã Tịnh Ấn Tây, là nơi tập trung nhiều hộ gia đình có truyền thống làm nghề mây, tre đan để học nghề. Buổi sáng đi dạy, chiều chiều qua xem cô bác trong làng làm mẫu, tối về nhà, chị cùng chồng chẻ tre, vót nan và cặm cụi đan. Cứ thế, qua nhiều đêm những chiếc giỏ cũng thành hình.

 

Chị Nguyễn Nữ Tôn Linh tâm đắc với công việc mình đang làm.
Chị Nguyễn Nữ Tôn Linh tâm đắc với công việc mình đang làm.

 

“Ban đầu, qua lời giới thiệu từ một người bạn, tôi mạnh dạn nhận đơn hàng đầu tiên. Tưởng thành công, ai dè 100 chiếc giỏ đầu tiên cất công đêm khuya  cặm cụi đan lại bị khách hàng trả về hơn nữa”, chị Linh chia sẻ. 
 
Cũng từ những lần thất bại đấy, chị Linh quyết tâm khắc phục lỗi sai từ những sản phẩm bị trả về. Dần dà có kinh nghiệm trong sản xuất, bán hàng, chị Linh có thêm nhiều đơn đặt hàng từ các đại lý lớn trong tỉnh. Chị bắt đầu mở rộng sản xuất, kinh doanh bằng cách liên kết với những thợ lành nghề tại cụm làng nghề mây, tre đan cùng sản xuất…
 
Đến nay, các mặt hàng giỏ trái cây, giỏ cắm hoa do chị làm ra đã có mặt trong toàn tỉnh. Lúc cao điểm, nhất là vào các dịp lễ, mùa cưới, Tết nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn lên đến hơn 1.000 sản phẩm. 
 
Đổi mới để tồn tại 
 
Không giống như những sản phẩm mây tre đan thông thường, chị Linh tận dụng đũa ăn thừa, gỗ vụn từ các cơ sở sản xuất về kết hợp đan mây tre vào tạo nên nhưng mẫu giỏ đa dạng, bắt mắt.
 
Ban đầu, chị Linh sử dụng đũa phế thải hoặc gỗ vụn đóng ghim thành từng khung theo mẫu. Sau đó, tỉ mỉ lựa chọn những sợi mây dài và suôn mượt, để khi đan không phải nối nhiều đoạn. Và để hoàn thiện một sản phẩm đẹp thì công đoạn đan mây tre  lần lượt vào từng thanh gỗ hay đũa tre là yếu tố quyết định. Trong khi đan đòi hỏi người thợ phải khéo tay để luồn sợi mây qua các thanh gỗ, các nan phải khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở. 
 
Theo chị Linh, những chiếc giỏ chỉ đơn thuần là mây tre đan thì sẽ rất khó tiêu thụ trên thị trường. Bởi vì, giá thành gia công giỏ mây tre đan cao hơn, trong khi các đại lý chạy theo thị hiếu sử dụng là sản phẩm vừa phải đẹp và rẻ. Do đó, việc tận dụng đũa phế thải, gỗ vụn  kết hợp đan mây tre sẽ giúp hạ giá thành song vẫn đảm bảo yếu tố thẩm mĩ. 
 
Chị liên tục thay đổi mẫu mã các sản phẩm, vì theo chị đã là sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì vừa phải đẹp vừa phải chất lượng thì khách hàng mới chú ý đến sản phẩm. “Thậm chí những lúc đi du lịch, nghỉ ngơi với gia đình, nhìn thấy những tiểu cảnh bài trí ở khu du lịch là mình phải để ý quan sát, từ đó lên ý tưởng thiết kế sản phẩm mới, theo thị hiếu của thị trường”, chị Linh chia sẻ.
 
Những chiếc giỏ tận dụng từ đũa phế thải
Những chiếc giỏ được chị Linh làm từ đũa phế thải kết hợp đan mây tre. 

Một điều đáng quý là, cơ sở của chị Linh không những giải quyết được công thừa cho chính bản thân sau thời gian dạy ở trường, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương lúc nông nhàn.  

Hiện cơ sở sản xuất của chị Linh có hơn 10 lao động. Họ là những người thợ lành nghề, phụ nữ, học sinh, người cao tuổi, thậm chí người khuyết tật. Đa số họ đều cộng tác trực tiếp, đặt hàng, lấy nguyên liệu từ cơ sở chị Linh rồi đem về nhà làm.

Như chị Nguyễn Thị Minh Thu ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, bị khuyết tật ở cánh tay trái nên không làm được việc nặng. Trong khi đó, chồng chị lâm bệnh nặng nên công việc đan giỏ của chị là nguồn thu nhập chính cho gia đình. Một ngày, chị Thu vào dây mây cho khoảng 50 chiếc giỏ, thu nhập từ 60 – 80 nghìn đồng. Chị Thu cho rằng, công việc dễ, nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từng chi tiết nhỏ. Và mỗi khi có mẫu mã mới, chị Linh lại nhiệt tình hướng dẫn giúp mọi người. 

Đặc biệt, việc duy trì được nghề thủ công của làng đã cho thấy sự nỗ lực, ham học hỏi của chị Linh trong suốt nhiều năm qua. Ông Cao Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND  xã Tịnh Ấn Tây cho biết: "Là một phụ nữ trẻ, chị Linh rất năng động trong việc tìm kiếm thị trường và đổi mẫu mã liên tục, phù hợp với thị hiếu sử dụng của khách hàng. Giải quyết được việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương. Đây là cách làm góp phần gìn giữ nghề mây tre đan truyền thống của địa phương đang dần bị mai một. 

 

Bài, ảnh: P.TIÊN
 
 
 

.