(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu năm đến nay, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý, vận hành NMLD Dung Quất luôn duy trì và đạt mức tăng trưởng cao. NMLD Dung Quất vận hành liên tục, an toàn, ổn định ở công suất trung bình 107-110% so với công suất thiết kế, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tăng trưởng ấn tượng
Phó Tổng Giám đốc BSR Khương Lê Thành cho biết, năm 2018 công ty sẽ phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt bởi thị trường trong và ngoài nước. Ngay ở trong nước, NMLD Nghi Sơn cũng xuất bán sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, nguồn dầu thô ngọt trong nước cung cấp cho nhà máy theo hướng ngày càng lẫn nhiều tạp chất; đồng thời lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cho động cơ ngày càng khắt khe hơn.
Dẫu vậy, trong 6 tháng đầu năm 2018, BSR sản xuất được 3,56 triệu tấn sản phẩm và tiêu thụ gần 3,6 triệu tấn thành phẩm, đạt 57% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 55.359 tỷ đồng (71% kế hoạch); nộp ngân sách nhà nước 5.809 tỷ đồng (gần 70%). Lợi nhuận sau thuế ước đạt khoảng 2.947 tỷ đồng, tương đương 84,7% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2018.
NMLD Dung Quất đang vận hành liên tục, an toàn, ổn định ở công suất trung bình 107 - 110% so với công suất thiết kế. |
“Mặc dù khoảng cách giá dầu thô và giá sản phẩm bị thu hẹp hơn so với kế hoạch, nhưng do nhà máy vẫn luôn hoạt động an toàn, ổn định, kiểm soát tốt mức tiêu hao dầu thô, thực hiện tốt công tác tối ưu hóa, quản trị và chống lãng phí đã góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho công ty”, ông Khương Lê Thành cho biết.
“Sau khi nâng cấp mở rộng, NMLD Dung Quất kỳ vọng sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm tương đương EURO V và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt nhất. Việc nâng cấp sẽ cho phép chế biến các hỗn hợp dầu thô chua - nặng, nhằm tăng độ linh động trong lựa chọn nguồn dầu thô và tăng cơ hội giảm chi phí dầu thô đầu vào. Qua đó, giúp NMLD Dung Quất chủ động hơn khi ứng phó các diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà máy”. Tổng Giám đốc BSR |
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học ở BSR cũng đã đi vào chiều sâu. Năm 2017, BSR đã xét công nhận 33 sáng kiến cấp cơ sở, 8 sáng kiến cấp tập đoàn và có 4 giải pháp đạt giải trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh. BSR còn triển khai 9 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong đó có 3 đề tài BSR tự thực hiện và 6 đề tài phối hợp với các đơn vị như: Trung tâm hợp tác dầu mỏ Nhật Bản, Viện Dầu khí Việt Nam, JGC, MCI...
Từ năm 2010 -2017, BSR thực hiện 197 sáng kiến/cải hoán, làm lợi khoảng 3.062 tỷ đồng. Riêng công tác tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 đạt 951,7 tỷ đồng, trong đó phần giảm tiêu thụ năng lượng nội bộ trong chế biến, giảm hao hụt dầu thô khoảng 501 tỷ, tự thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa khoảng 90 tỷ đồng.
Đẩy mạnh nâng cấp, mở rộng nhà máy
Tổng Giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết, công tác cổ phần hóa BSR đã được thực hiện theo kế hoạch đề ra. Ngày 17.1.2018, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh, BSR đã tổ chức thành công phiên đấu giá gần 242 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng. Ngày 1.3.2018, cổ phiếu BSR được niêm yết trên sàn UPCOM, với mức giá tham chiếu 22.400 đồng/cổ phần. Ngày 21.6.2018, BSR tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất.
Bên cạnh sản xuất kinh doanh và chuyển đổi mô hình hoạt động, BSR cũng đang tích cực triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất. Đến nay, dự án đã triển khai được 38/78 tháng, kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu FEED; tiến độ trước EPC đạt 83,55%. Cụ thể là, công tác chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn thành 99,8%. BSR đang phối hợp với nhà thầu thiết kế tổng thể, tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để cập nhật báo cáo theo yêu cầu của Bộ TN&MT. Hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 gói thầu EPC đã được phát hành từ ngày 13.11.2017. Theo kế hoạch, công tác lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng EPC sẽ hoàn thành trong năm 2019.
Nhiệm vụ trọng tâm của BSR đến hết 2018 là tiếp tục hoàn thiện công tác quản trị khi chuyển qua phương thức quản lý mới là công ty cổ phần. Chủ động, linh hoạt trong phân tích, đánh giá thị trường để kịp thời ứng phó với biến động của giá dầu, giá sản phẩm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của khách hàng. Ngoài ra, tập trung cao độ vào công tác tối ưu hóa chi phí sản xuất, giảm thiểu lượng hàng, nguyên vật liệu, thiết bị phụ tùng tồn kho...
Bài, ảnh: PHẠM DANH