TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ cuối: Để nông nghiệp “cất cánh”
(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp (DN) đang hướng đến. Thế nhưng, bên cạnh nguồn lực của DN, hiệu quả thực thi các chính sách, mức độ hợp tác của người dân cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc “rót vốn” của DN vào lĩnh vực nông nghiệp.
“Nông nghiệp sẽ không phát triển nếu không đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, tích tụ ruộng đất phải thực hiện bằng chính sách phù hợp, đúng pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN và người dân”, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô khẳng định.
Nông dân phải đổi mới tư duy
Hầu hết các dự án đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được cấp phép tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, không chỉ nguồn lực của DN phải đủ mạnh, mà nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất.
Dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất là điều kiện tiên quyết để nông nghiệp "cất cánh". |
Điều kiện tiên quyết là nông dân phải nói không với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Thứ hai, để hình thành vùng sản xuất tập trung, một bộ phận nông dân phải chấp nhận bị mất đất và “thoát ly” nông nghiệp, để trở thành lao động của DN. Song, vì sợ mất đất, nên dù sản xuất kém hiệu quả, thậm chí bỏ đất hoang, nhưng nông dân vẫn không cho DN thuê đất. Điều này khiến DN gặp rất nhiều khó khăn, đơn cử như các dự án sản xuất rau, củ, quả an toàn. Để có diện tích sản xuất liên vùng, liên thửa, chính quyền các địa phương và DN vận động nông dân góp đất, hoặc cho thuê đất; đồng thời khuyến khích họ trở thành lao động của DN, sản xuất trên mảnh đất của mình. Cách làm này vừa giúp nông dân có thu nhập từ tiền thuê đất và lương, vừa được hưởng các chế độ bảo hiểm. Thế nhưng, không có nhiều nông dân hợp tác. Lý do là họ không muốn trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình!
“Từ những kết quả trong quá trình thực hiện các chính sách của Chính phủ và tỉnh, các sở, ngành, địa phương, nhất là Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT cần rà soát, đánh giá tính khả thi của các cơ chế chính sách để trình trung ương, tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Ngoài ra, khi xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh, cần chú trọng các hình thức khuyến khích, hỗ trợ đủ sức hấp dẫn DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là cơ chế ưu đãi về đất đai; miễn, giảm thuế, phí và môi trường đầu tư. Có thể hỗ trợ bằng tiền, nhưng phải phù hợp với nguyên tắc thị trường và khả năng cân đối ngân sách”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh |
Tư duy này còn kéo theo việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tích tụ ruộng đất gặp rất nhiều khó khăn. Theo chính quyền các địa phương, việc nông dân ngại cho DN thuê đất, một phần vì họ không được DN cam kết, đảm bảo các quyền lợi khi trở thành người làm thuê trên đất của mình. Như dự án sản xuất lúa hữu cơ tại xã Phổ Thuận (Đức Phổ), do Tập đoàn Quế Lâm đầu tư, mặc dù được chính quyền địa phương ủng hộ và tạo điều kiện, nhưng người dân vẫn không hợp tác với DN. Nguyên nhân là sau khi hạch toán, nông dân cảm thấy chi phí sản xuất quá cao, hiệu quả kinh tế thì chưa biết như thế nào, trong khi chính sách của DN chưa tạo được sự yên tâm cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em cho rằng, hợp tác với DN để tích tụ đất đai là cần thiết. Tuy nhiên, nếu không có lợi, nông dân sẽ không tham gia. Chính vì vậy, tích tụ đất cần phải thực hiện đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường và trên tinh thần tự nguyện, Nhà nước chỉ cần tác động thông qua các chính sách khuyến khích. “Tích tụ đất phải đảm bảo an toàn tài sản, hài hòa lợi ích giữa người dân và DN. Việc tích tụ cũng phải để người dân và DN tự thỏa thuận, tránh tình trạng cưỡng ép, thu hồi đất của dân giao cho DN, khiến họ rơi vào cảnh không đất, không tư liệu sản xuất”, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em cho hay.
Chính quyền tạo chất “xúc tác”
Điều dễ dàng nhận thấy là, địa phương nào có chính sách thân thiện và linh hoạt trong việc động viên, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì địa phương đó dễ thành công. Đơn cử như huyện Mộ Đức, không chỉ tập trung giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho DN, mà địa phương này còn hỗ trợ DN tiếp cận đất đai một cách nhanh chóng bằng nhiều hình thức. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn, cho rằng: “Vấn đề quan trọng là vận dụng và linh động cắt giảm những điều kiện, thủ tục kinh doanh không cần thiết để “cởi trói” cho DN. Nhờ đó, sẽ tạo điều kiện và không gian phát triển cho DN”. Chính vì vậy, huyện Mộ Đức là địa phương dẫn đầu tỉnh trong việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với 11 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngoài cơ chế về đất, thủ tục hành chính và thị trường, các DN cần chính sách khuyến khích đủ mạnh, tạo được “từ trường” để DN mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, nhằm tăng giá trị cạnh tranh của sản phẩm. Chính vì vậy, Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Nông dân cần thay đổi tư duy "giữ" đất, tạo điều kiện để doanh nghiệp tích tụ đất, xây dựng vùng sản xuất tập trung. |
Không chỉ điều chỉnh các mức hỗ trợ đủ sức hấp dẫn đối với DN, Nghị định 57 còn tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện các thủ tục hành chính khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đó là, dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ không phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, mà thủ tục này sẽ do cơ quan nhà nước thực hiện và trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư cho toàn danh mục. “Đây được xem là bước đột phá của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư vào nông nghiệp. Giảm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư là “cởi trói” cho DN, vì giảm rất nhiều thời gian và chi phí. Vấn đề là, các địa phương sẽ vận dụng và thực tế hóa Nghị định 57 như thế nào, để vừa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, vừa hấp dẫn DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, ông Bùi Xuân Tuyến-Giám đốc Dự án Trồng rau củ quả ứng dụng công nghệ cao - Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Việt Vân, đặt vấn đề.
Thực tế, vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng. Nguyên nhân chính do kinh phí từ ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, bị hạn chế bởi kế hoạch đầu tư trung hạn tỉnh đã phê duyệt. Chính vì vậy, việc thu hút DN đầu tư chính là giải pháp để ngành nông nghiệp “cất cánh”. “Song, để DN mạnh dạn rót vốn cho nông nghiệp, thì bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, Nhà nước cũng cần ưu tiên nguồn vốn cho công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất”, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô đề xuất.
Bài, ảnh: MỸ HOA-BẢO HÒA