Chật vật đầu tư vào nông nghiệp (kỳ 1)

02:07, 10/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp. Song, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, giai đoạn 2008-2018, tỉnh có 54 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, 22 dự án đã hoạt động, 30 dự án chưa hoạt động và 2 dự án đầu tư một phần diện tích.
 

Kỳ 1: Nhiều vướng mắc

Bên cạnh cái khó của nông nghiệp là vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, thời gian thu hồi vốn lâu, thì những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhất là đất đai và tín dụng hỗ trợ DN chính là rào cản, khiến các DN ngại đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Bất cập thuê đất

Luật Đất đai yêu cầu, khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) mới được thực hiện quyền chuyển nhượng và thuê đất. Trong khi đó, hiện nay một số địa phương vẫn chưa thực hiện xong việc cấp giấy CNQSDĐ nông nghiệp, gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện các thủ tục cho thuê, chuyển nhượng. Vì vậy, trên 50% số DN được khảo sát cho biết, việc thiếu đất và mặt bằng là cản trở chính khiến họ ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Chính sách có nhưng thiếu giải pháp thực thi nên lĩnh vực chăn nuôi vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư.
Chính sách có nhưng thiếu giải pháp thực thi nên lĩnh vực chăn nuôi vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư.


Hơn nữa, việc quy hoạch mục đích sử dụng đất quá chi tiết, nên khó phát huy tối đa tính năng của từng loại đất, hạn chế sự linh hoạt điều chỉnh theo tín hiệu thị trường, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Đơn cử như Dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam - Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk). Sau khi khảo sát thực tế một số địa điểm trên địa bàn tỉnh, đầu tháng 7.2017, Vinamilk quyết định chọn xã Đức Phú (Mộ Đức) để triển khai thực hiện dự án, tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 125ha.

Điều thuận lợi là xã Đức Phú có hơn 30ha do chính quyền quản lý, nên công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng trang trại trung tâm với quy mô 4.000 con bò sữa được kỳ vọng sẽ hoàn thành sớm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện lại gặp khá nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là, một phần diện tích đất trên được quy hoạch trồng trọt, nên muốn nuôi bò sữa, phải điều chỉnh mục đích sử dụng; một phần đã được UBND xã tổ chức đấu giá quyền thuê đất, nên một số hộ dân đang canh tác, không chấp nhận áp giá đền bù. Vì vậy, đến thời điểm này, vẫn còn 3 hộ dân bất hợp tác, khiến Vinamilk vẫn chưa có mặt bằng sạch, để triển khai thực hiện dự án.

Ngoài ra, công tác quy hoạch mục đích sử dụng đất nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều bất cập. Phần lớn đất được quy hoạch phục vụ trồng trọt, nhưng các DN đầu tư trong lĩnh vực này lại rất khó tìm được mặt bằng đủ lớn và “sạch”, để hình thành vùng sản xuất tập trung. Như dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, do Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT đầu tư, kinh phí gần 37 tỷ đồng. Dự án được triển khai thực hiện tại xã Đức Thạnh (Mộ Đức) với diện tích 40ha, nhưng có đến 360 hộ tham gia (bình quân 0,1 ha/hộ).  

Hay như dự án đầu tư vùng sản xuất rau, củ, quả và dược liệu công nghệ cao, do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Nông Hưng Phát đầu tư, kinh phí hơn 27 tỷ đồng, diện tích thực hiện trên 11ha, triển khai tại thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức). Mặc dù nhà đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục đo đạc đất, xây dựng phương án bồi thường, nhưng vùng thực hiện dự án lại được quy hoạch để trồng mía. Điều này khiến DN vừa tốn chi phí, lại mất thời gian, vì phải đợi chính quyền địa phương tìm địa điểm khác để thay thế.

Chính sách xa thực tế

Đầu tư vào nông nghiệp cần vốn nhiều, nhưng tính rủi ro cao, nhất là hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với các DN khởi đầu là tiềm lực yếu, nhưng việc tiếp cận vốn vay ưu đãi lại khó khăn. Mặc dù Chính phủ và tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng chưa đủ mạnh, thiếu thực thi. Vì vậy, nhiều chính sách ban hành, nhưng DN không thể tiếp cận được, vì “đụng đâu vướng đó”, chủ yếu là sự bất nhất giữa các đơn vị liên quan. Đơn cử như Nghị định 55 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Điều 9 của Nghị định 55 ghi rõ: “Tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm, hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật... Các DN, hợp tác xã (HTX), chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn, hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay tối đa 1 tỷ đồng”.

“Ngoài các khó khăn “trầm kha” của ngành nông nghiệp, hầu hết DN đầu tư vào nông nghiệp là DN mới thành lập, nên nguồn lực yếu, quy mô sản xuất nhỏ, thiếu các DN chế biến, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị và phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất của các DN nông nghiệp hạn chế...  nên hiệu quả chưa cao”.


Giám đốc Sở NN&PTNT DƯƠNG VĂN TÔ 


Quy định là vậy, nhưng khi DN, HTX gửi hồ sơ vay vốn, ngân hàng lại yêu cầu tài sản thế chấp. Trong khi đó, hạ tầng và trang thiết bị, cũng như diện tích đất DN thuê sản xuất lại không được thế chấp vay vốn, dù đã được cấp giấy CNQSDĐ. “Muốn thế chấp giấy CNQSDĐ vay vốn, ngân hàng yêu cầu DN phải nộp thuế thuê đất một lần cho suốt thời gian thuê đất, thường là 49 năm. Điều này làm khó DN, vì đầu tư phát triển nông nghiệp cần vốn lớn, rủi ro cao, thời gian thu hồi vốn lâu”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiên Sơn Nguyễn Ngọc Dũng, cho biết. Vì vậy, dù đã được các cấp, ngành và địa phương tạo điều kiện, nhưng dự án trang trại sản xuất rau quả an toàn (tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng), tại xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) chưa đạt hiệu quả, vì DN sản xuất cầm chừng.  

Trong khi đó, Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng bộc lộ một số vấn đề cần nghiên cứu, tháo gỡ. Mặc dù mở rộng đối tượng, điều kiện hỗ trợ thông thoáng hơn so với Nghị định số 210/2013, nhưng Nghị định 57 vẫn chưa có chính sách thu hút các DN chế biến vừa và nhỏ. Hơn nữa, quy định điều kiện hỗ trợ các DN sấy nông sản phải có công suất 100 tấn sản phẩm/ngày là quá cao, rất ít DN đáp ứng.

Còn Quyết định 36 của UBND tỉnh quy định về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi thì, đối tượng và phạm vi hỗ trợ còn quá hẹp, chưa thực sự khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp. Hơn nữa, Quyết định 36 chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất rau an toàn và cây dược liệu (cây quế và sa nhân). Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 29 dự án đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản và thu mua, chế biến nhưng lại không thuộc đối tượng thụ hưởng theo Quyết định 36.

Liên kết lỏng lẻo, thủ tục rườm rà

Nhà nước, nhà nông trông DN mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp; DN và nhà nông trông nhà khoa học nghiên cứu, cung ứng giống chất lượng và chuyển giao kỹ thuật sản xuất; trong khi đó, “3 nhà” này lại trông Nhà nước thực thi hiệu quả những chính sách khuyến khích. Ngoài ra, lý do khiến “4 nhà” trông nhau như thế là vì chất lượng sản phẩm nông sản không đồng đều, chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung, DN chưa được các ngành hữu quan tích cực hỗ trợ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Đơn cử như Dự án đầu tư sản xuất nếp ngự Sa Huỳnh (Đức Phổ).

Muốn đưa nếp ngự Sa Huỳnh trở thành “đặc sản”, năm 2017, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT đặt vấn đề và được UBND huyện Đức Phổ ủng hộ thực hiện dự án phục tráng và sản xuất. Mặc dù DN cam kết xây dựng phương án phát triển nếp ngự Sa Huỳnh theo hướng “DN đầu tư và bao tiêu sản phẩm, nông dân sản xuất”, nhưng chính quyền cơ sở từ chối! Vì thế, đã hơn một năm, nếp ngự Sa Huỳnh vẫn chỉ là sản phẩm cấp xã!

Ngoài ra, DN cũng phàn nàn cho rằng, thủ tục hành chính (TTHC), bao gồm cả thủ tục hải quan và điều kiện kinh doanh khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quá rườm rà. “Để hoàn thiện đầu tư một dự án nông nghiệp, DN phải trải qua hàng chục bộ TTHC, thời gian giải quyết kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, mà còn khiến DN lỡ cơ hội đầu tư”, ông Tô Văn Cu- Giám đốc Công ty TNHH MTV Hằng Hiên cho biết. Tháng 5.2016, Dự án chăn nuôi gia súc theo hướng công nghiệp sạch Phổ Cường (Đức Phổ), do Công ty TNHH MTV Hằng Hiên đầu tư với kinh phí 10 tỷ đồng được triển khai thực hiện. Dự kiến tháng 4.2018 sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động. Song, vì quá trình thực hiện và giải quyết TTHC, DN gặp một số “trục trặc”, nên hiện giờ, dự án vẫn đang giai đoạn thi công.   


Bài, ảnh: MỸ HOA-BẢO HÒA

------
Kỳ 2:  Vượt khó




 


.