Xã hội hóa trong đầu tư, kinh doanh chợ: Tiềm ẩn nguy cơ chệch hướng

05:06, 29/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xã hội hóa trong việc kêu gọi đầu tư hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh là một chủ trương đúng đắn, nhằm tạo điều kiện để nhân dân có nơi buôn bán khang trang, thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng nông thôn và các thị trấn, thị tứ. Tuy nhiên, hiện nay dư luận đang lo ngại một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng chủ trương này để đầu tư theo hướng khác.

Xã hội hóa là cần thiết

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 4 chợ được đầu tư theo chủ trương xã hội hóa xây dựng chợ, nhưng chỉ có 2 chợ (Đức Phổ và Châu Ổ) là hoạt động tương đối ổn định. Tuy nhiên, gần đây chủ đầu tư chợ Châu Ổ đã bắt đầu xin chuyển đổi công năng một số hạng mục vì khai thác không hiệu quả sau khi đưa chợ vào hoạt động. Còn 1 chợ xây dựng tại xã Bình Hải (Bình Sơn) thì đang đóng cửa, vì không kinh doanh được.

Khu đất đối diện chợ Đức Phổ nằm trong dự án xây dựng chợ đã được chuyển nhượng với giá rất cao. ảnh: T.NHỊ
Khu đất đối diện chợ Đức Phổ nằm trong dự án xây dựng chợ đã được chuyển nhượng với giá rất cao. ảnh: T.NHỊ


Mới đây, UBND tỉnh đã công bố danh mục chợ kêu gọi nhà đầu tư thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Theo đó, toàn tỉnh có 27 chợ và 1 siêu thị kêu gọi DN đầu tư xây dựng. Trong đó, TP.Quảng Ngãi (10 chợ), huyện Đức Phổ (6 chợ), Sơn Tịnh (7 chợ), Bình Sơn (3 chợ và 1 siêu thị), Ba Tơ (1 chợ).
 

"Xây dựng chợ theo hình thức xã hội hóa hiện nay rất khó, nhất là ở các huyện miền núi, nếu chờ ngân sách đầu tư thì phải rất lâu mới có chợ. Vì thế, việc kêu gọi DN đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ là cần thiết, nhưng khi triển khai chính quyền cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương và lấy ý kiến nhân dân để thực hiện đúng quy định của pháp luật".


Giám đốc Sở Công thương TRẦN PHƯỚC HIỀN

Hiện tại, TP.Quảng Ngãi có 2 chợ đã được nhà đầu tư đăng ký, nhưng chưa thực hiện gồm chợ Nghĩa An (xã Nghĩa An) và chợ Tịnh Khê (xã Tịnh Khê); huyện Bình Sơn có 2 chợ được nhà đầu tư đăng ký, gồm chợ Thạch An (xã Bình Mỹ) và chợ Liên Trì (xã Bình Hiệp). Ngay sau khi tỉnh ban hành danh mục này, nhiều DN đã về địa phương đặt vấn đề tìm hiểu, nghiên cứu lập dự án với phương thức xây dựng chợ kết hợp với xây dựng khu dân cư liền kề. Một số DN đề xuất xây dựng chợ nhỏ, nhưng quy mô khu dân cư liền kề thì phải lớn để thu hút dân cư về đây mua bán.

... nhưng cần kiểm soát quy hoạch và phương án kinh doanh

 Dự án Khu thương mại – dịch vụ chợ Đức Phổ và Khu nhà ở liền kề được UBND tỉnh cấp phép đầu tư vào năm 2011, do Công ty CP Đầu tư Hà Mỹ Á làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 6,7ha, tổng mức đầu tư dự kiến 174 tỷ đồng, gồm Khu nhà ở liền kề và Khu thương mại - dịch vụ chợ. Đây là một trong những dự án nằm trong lộ trình xã hội hóa xây dựng và kinh doanh chợ, góp phần đưa Đức Phổ trở thành thị xã phía nam của tỉnh. Tuy nhiên, mục tiêu chính của dự án này là kinh doanh bất động sản. Trong tổng số vốn đầu tư của dự án, hạng mục chợ Đức Phổ được đầu tư khoảng 55 tỷ đồng. Khi chợ Đức Phổ chưa đi vào hoạt động, các khu đất liền kề đã được công ty chuyển nhượng hết với giá cao, nhiều lô nền có giá chuyển nhượng từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.

Hiện tại, trên địa bàn Quảng Ngãi còn có khá nhiều dự án xây dựng chợ hoặc khu thương mại, kết hợp khu dân cư liền kề đã được cấp chủ trương, hoặc đang triển khai thực hiện. Tại huyện Tư Nghĩa có dự án "Chợ và khu dân cư trung tâm xã Nghĩa Trung" do Công ty Đầu tư xây dựng Phong Thành làm chủ đầu tư; Mộ Đức có dự án Khu dân cư thương mại - dịch vụ phía nam Thạch Trụ do Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Hồng Sang làm chủ đầu tư.

Tại huyện Đức Phổ, ngoài dự án nói trên, còn có dự án chợ Sa Huỳnh kết hợp khu nhà ở thương mại dịch vụ xã Phổ Thạnh do Công ty Anh Việt Mỹ làm chủ đầu tư. Trên địa bàn TP.Quảng Ngãi thì có rất nhiều dự án theo kiểu này. Như Khu dân cư Phan Đình Phùng do Công ty CP Đầu tư Bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư, trong quy hoạch có xây dựng trung tâm thương mại, nhưng nay chủ đầu tư đã "xẻ đất thương mại- dịch vụ" để phân lô bán đất nền.


THANH NHỊ


 


.