(Báo Quảng Ngãi)- Từ khi triển khai xây dựng Nhà máy Bột - Giấy VN19, nhiều diện tích đất nông nghiệp, kênh mương ở xã Bình Phước (Bình Sơn) bị bồi lấp. Vụ việc kéo dài nhiều năm nay, nhưng chủ đầu tư dự án vẫn chưa khắc phục, khiến người dân bức xúc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Có ruộng nhưng phải bỏ hoang
Theo thống kê của UBND xã Bình Phước, sau khoảng 4 năm thi công, chủ đầu tư Nhà máy Bột - Giấy VN19 đã gây bồi lấp hơn 2,6ha đất sản xuất, chủ yếu là ruộng trồng lúa 2 vụ của người dân, với 57 hộ bị ảnh hưởng. UBND xã Bình Phước và các hộ dân đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư bồi thường, nhưng mới chỉ có một số hộ được hỗ trợ 1 vụ lúa, với tổng diện tích khoảng 0,8ha. Bà Bùi Thị Cù, ở thôn Phú Long, xã Bình Phước cho biết: Bốn thửa ruộng của gia đình (hơn 3 sào) đã bị đất, đá, nước rỉ sét từ công trình trôi xuống ruộng nên không thể gieo sạ được.
Nhiều diện tích đất lúa của người dân xã Bình Phước (Bình Sơn) không sản xuất được, do thi công Nhà máy Bột - Giấy VN19. |
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều hộ dân ở xã Bình Phước, trong đó có nhiều hộ dân suốt 4 năm qua không thể gieo cấy. Nhiều nhà từ chỗ thừa lúa ăn, nay phải đi làm thuê để kiếm tiền mua gạo. Điều đáng nói ở đây là, đã nhiều lần đối thoại nhưng chủ đầu tư vẫn chưa làm hết trách nhiệm với dân. Ông Đỗ Văn Đoàn, thôn Phú Long 3, xã Bình Phước bức xúc nói: "Chủ đầu tư hứa tháng 1.2018 sẽ giải quyết dứt điểm, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của dân".
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc: "UBND xã Bình Phước chủ trì, phối hợp với Công ty CP Bột - Giấy VN19, đại diện hộ dân bị ảnh hưởng khẩn trương phối hợp xác định cụ thể số hộ, diện tích, số vụ lúa cần hỗ trợ; số mồ mả cần di dời, kênh mương nội đồng cần khắc phục. UBND huyện Bình Sơn kiểm tra, đánh giá tính khả thi của việc khắc phục, trường hợp không khắc phục được thì xem xét phương án bồi thường thu hồi đất theo thẩm quyền. Công ty CP Bột - Giấy VN19 phải có trách nhiệm bồi thường theo phương án huyện phê duyệt; khoản tiền này không được khấu trừ vào tiền sử dụng đất của nhà máy" |
Theo UBND xã Bình Phước, nhiều hộ dân nhường đất để xây dựng nhà máy, nay chỉ còn một vài thửa ruộng để sinh sống, nhưng lại không sản xuất được. UBND xã đã nhiều lần đề nghị huyện, tỉnh can thiệp để chủ đầu tư xem xét bồi thường cho dân, nhưng sự việc kéo dài 4 năm nay vẫn chưa giải quyết xong.
Chủ đầu tư chưa thiện chí
Không chỉ ruộng của dân bị bỏ hoang, mà dự án còn làm bồi lấp một số tuyến kênh mương thủy lợi, nên hơn 4.500m2 ruộng không có nước để sản xuất. Tuy nhiên, chủ đầu tư mới xem xét hỗ trợ thiệt hại cho khoảng 610m2 và bồi thường, khắc phục 7/31 ngôi mộ bị ảnh hưởng.
Theo phản ánh của các hộ dân, việc thi công mặt bằng nhà máy cũng làm lấp 1 con đường ra đồng sản xuất của người dân, nhưng chủ đầu tư không làm đường thay thế. Nông sản thu hoạch không thể vận chuyển bằng xe như trước, mà phải gánh, vác nên tốn công và tăng chi phí; keo thu hoạch bán không có người mua, do không có đường để vận chuyển.
Chủ tịch UBND xã Bình Phước Nguyễn Thế Nhân cho biết, sự việc kéo dài đến nay đã 4 năm, nhưng chủ đầu tư thiếu phối hợp để giải quyết dứt điểm, khiến tình hình địa phương ngày càng phức tạp.
Bài, ảnh: THANH NHỊ