(Báo Quảng Ngãi)- Để từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, UBND tỉnh chỉ đạo, đến năm 2020, Nghĩa Hành phải có diện tích 1.000ha cây ăn quả. Mục tiêu này là không dễ thực hiện, đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực để đầu tư.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Nghĩa Hành là huyện trung du, có diện tích đất đồi lớn, phù hợp để trồng cây ăn quả. Những năm qua, huyện đã nỗ lực vận động người dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, như bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm... với tổng diện tích 250ha, trong đó có hơn 100ha đã cho thu hoạch và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Ông Huỳnh Sinh, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh, chủ vườn cây ăn trái hơn 3.500m2 cho biết, hơn 10 năm trước ông đã trồng bưởi da xanh, sầu riêng và hầu hết đều cho thu nhập từ 5 năm qua, với doanh thu bình quân từ 70-80 triệu đồng/năm. “Vì không có công chăm sóc nên gia đình chỉ trồng hơn 3ha. Sản phẩm thu hoạch đều có thương lái đến mua", ông Sinh nói.
Ngoài chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng thì chuối ngự được huyện Nghĩa Hành xác định là cây chủ lực trong phát triển diện tích cây ăn quả. |
Ông Võ Hương, ở thôn Tân Lập, xã Hành Thiện, chủ vườn cây ăn quả gần 4.000m2 gồm mít, sầu riêng thì cho biết sẽ không mở rộng thêm diện tích trồng cây ăn quả, mà tập trung đầu tư, nâng năng suất số cây trồng hiện có. “Dồn hết vào một vài loại, nếu không may thị trường rớt giá làm sao trụ được, như cây tiêu giá hiện nay chỉ còn một nửa, nếu không có cây sầu riêng bù qua thì không có thu nhập”, ông Hương phân tích.
Một số hộ dân ở các xã Hành Thuận, Hành Đức thì phân vân, vì cho rằng cây cau đang cho thu nhập cao nên chưa muốn phá bỏ chuyển sang trồng cây ăn quả. Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình, trung bình mỗi năm người trồng cau ở Nghĩa Hành có doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, nên việc vận động họ chuyển sang trồng cây ăn quả là điều không dễ.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính, việc phát triển cây ăn quả ở Nghĩa Hành chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm có chất lượng còn ít, chưa kết nối cung cầu, chưa thực hiện được liên kết chuỗi trong sản xuất để trở thành sản phẩm hàng hóa đưa vào các siêu thị.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh chỉ đạo: Để Nghĩa Hành trở thành địa phương điển hình của tỉnh về phát triển cây ăn quả theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có diện tích trồng cây ăn quả 1.000ha, huyện Nghĩa Hành cần tổ chức khảo sát các mô hình đã thành công, nghiên cứu xây dựng đề án cụ thể để phát triển diện tích cây ăn quả, trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình cho rằng, khả năng phát triển cây ăn quả thành cây hàng hóa trên địa bàn huyện là có thể thực hiện được, bởi địa phương có diện tích đất vườn, đồi lớn. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là, chuyển đất trồng cây hằng năm sang cây ăn quả phụ thuộc rất nhiều ở người dân, cũng như nguồn vốn đầu tư. “Cái khó của huyện hiện nay là tìm được vùng đất đủ rộng để trồng tập trung, nơi rộng nhất cũng chỉ khoảng 10ha. Còn đất đã giao cho người dân ổn định lâu dài mà buộc họ chuyển đổi sang trồng cây ăn quả là rất khó, vì tùy theo tính toán sở thích của mỗi người.
Ngoài ra, nội lực của huyện để xây dựng vùng cây ăn quả tập trung cao nhất cũng chỉ 50ha mỗi năm, nên đến năm 2020 chỉ có thể tăng thêm 200ha, chứ không đạt 1.000ha theo chỉ đạo của tỉnh. Cái khó nữa là, huyện đang tập trung trả nợ xây dựng nông thôn mới, nên nguồn lực để đầu tư phát triển cây ăn quả sẽ không nhiều”, ông Bình nói.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC