(Báo Quảng Ngãi)- Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dịch vụ Sơn Tây, là đơn vị có quy mô cấp huyện đầu tiên của cả nước, được thành lập cách đây 5 tháng. Thế nhưng, do vốn điều lệ quá thấp, việc làm chưa có, cộng với nhiều rào cản từ chính sách, khiến HTX gặp nhiều khó khăn.
Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã phỏng vấn Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng, người đề xuất thành lập mô hình này, để hiểu rõ hơn về thực tế hiện nay, cũng như hướng đi của HTX trong thời gian đến.
PV: Xin ông cho biết đâu là động lực để huyện quyết tâm thành lập HTX?
Ông LÊ VĂN TÙNG: Tôi thấy xu thế tất yếu trong tương lai là phải phát triển kinh tế tập thể, không thể đơn độc mà giàu lên được. Người dân sản xuất manh mún thì biết bao giờ mới thoát nghèo. Chúng ta cứ nói để nông dân phát triển nông nghiệp tạo thành chuỗi hàng hóa, nhưng khi bắt tay vào làm thì không ai làm. Trong khi chuỗi hàng hóa do thương lái làm thì không thể bền vững. Vì thế, mục tiêu của HTX là giúp 20.000 người dân của huyện làm ăn có tổ chức, tạo đòn bẩy thoát nghèo.
PV: Có nhiều ý kiến quan ngại rằng, HTX sẽ “chết yểu” bởi có quá nhiều hạn chế?
Ông LÊ VĂN TÙNG: Việc thành lập HTX gay go lắm. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mình vừa làm, vừa học. Không mạnh dạn thay đổi thì làm sao phát triển được.
Tất nhiên, những khó khăn đối với sự sinh tồn của mô hình là có, bởi tổ chức quản lý HTX miền núi dù mang tính chất tự nguyện, nhưng xuất phát điểm thấp, xã viên là người dân nghèo. Tuy nhiên, khi đã thành lập thì phải dìu dắt nó phát triển, chứ không bỏ rơi. Chúng ta cần ủng hộ và hỗ trợ, để HTX phát triển.
PV: Dư luận cho rằng, HTX ôm quá nhiều việc sẽ không làm nổi?
Ngày 28.12.2017, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tây được thành lập với 79 thành viên. Vốn điều lệ là 7,9 triệu đồng. HTX sẽ cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường; quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi; nông nghiệp, lâm nghiệp và các hoạt động có liên quan. |
Ông LÊ VĂN TÙNG: Tôi không nghĩ vậy. Nếu thành lập một HTX chỉ thực hiện một dịch vụ như thu gom rác thì cũng là một HTX, nhưng quy mô chỉ tạo công ăn việc làm đơn giản. Làm như vậy vô hình chung chúng ta tự xé lẻ, kìm hãm sự phát triển. Tôi mong muốn HTX này sẽ trở thành "bà đỡ" của nông dân.
Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, nếu không chuyển một số dịch vụ công ích ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước thì phải đấu thầu. Ở đây, chưa có các cơ quan thực hiện dịch vụ, huyện sẽ giao cho HTX làm để nuôi bộ máy. Đối với các mô hình trước đây giao cho Trung tâm Khuyến nông huyện, đơn vị này không thiết tha, bởi họ chỉ giúp người dân về mặt khoa học, kỹ thuật. Trong khi giao cho HTX thực hiện sẽ rất hiệu quả, bởi khi khoán đầu việc, nếu làm không được sẽ cắt, nên họ sẽ có trách nhiệm để mang lại lợi nhuận cho chính họ.
PV: Như ông nói, HTX sẽ phát triển, vậy đâu là cơ sở để khẳng định điều này?
Ông LÊ VĂN TÙNG: Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ HTX bằng việc giao một số công việc cụ thể để giải quyết bài toán tiền lương như quản lý, chăm sóc hai mô hình cá tầm và cây mắc ca, để HTX có việc làm. Khi mọi thứ ổn định, sẽ giao những việc lớn hơn. Đơn cử như tới đây trong chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người dân từ nguồn vốn 30a, 135... bình thường việc phân khai vốn đến giữa năm mới có, nhưng cây nông nghiệp thì đầu năm phải thực hiện, nên người dân không thể chờ được. Như vậy, với cơ chế hoạt động của HTX sẽ đứng ra cung cấp cây giống, vật nuôi cấp cho dân.
Khi phát triển tốt, HTX sẽ kết nối người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bởi với tư cách pháp nhân đại diện cho người nông dân, HTX sẽ đứng ra ký kết với doanh nghiệp để triển khai đầu tư các mô hình, từ đó tạo ra chuỗi hàng hóa bền vững cả trong sản xuất lẫn tiêu thụ. Đối với mô hình nuôi cá tầm, Nhà nước không thể bán sản phẩm, bởi luật không cho phép. Nhưng nếu giao cho HTX, họ có quyền bán lẻ và tự hạch toán, miễn sao có lợi.
LÊ ĐỨC (thực hiện)
Hội thảo cây mắc ca
MỸ HOA |