Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Chuyện không dễ

04:06, 04/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù biết thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản, sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, nhiều nông dân vẫn lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất.

Xem nhẹ tác hại

Trong quá trình canh tác lúa và các loại hoa màu, khi có biểu hiện sâu bệnh gây hại, phương pháp đầu tiên mà nông dân dùng để xử lý là sử dụng thuốc BVTV. Một nông dân ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) chia sẻ, khi thăm đồng, thấy lúa có biểu hiện không bình thường, tôi đến cửa hàng thuốc BVTV trao đổi và họ chẩn đoán rồi bán thuốc mang về phun. Một vài trường hợp còn sử dụng thuốc BVTV để kích thích các loại rau ăn lá, trái cây bắt mắt hơn.

Người trồng ớt thường xuyên sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh.
Người trồng ớt thường xuyên sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh.


Có trường hợp, trong quá trình kinh doanh, chủ cửa hàng thuốc BVTV đã bán nhầm thuốc. Bà C. ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành) kể: Ruộng lúa của tôi bị bọ trĩ gây hại, nhưng chủ cửa hàng lại bán thuốc phun cho rau xanh.

Giá thành rẻ, hiệu quả nhanh chóng, không tốn nhiều công sức... là những nguyên nhân khiến nông dân lạm dụng thuốc BVTV. Cùng với đó, nhiều người còn lạm dụng sử dụng thuốc cỏ và phân bón trong trồng trọt. Về lâu dài, các loại độc chất, hóa chất sẽ tích tụ trong đất, môi trường, nước, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Thực tế hiện nay, rau sản xuất theo quy trình an toàn, thường không “bắt mắt” bằng rau có sử dụng thuốc BVTV. Rau an toàn năng suất thấp, tốn nhiều công chăm sóc, nhưng giá không cao hơn so với các loại rau khác, khiến nhiều nông dân trở lại với thói quen canh tác cũ. Vì thế, theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh, để nông dân thay đổi thói quen sử dụng thuốc BVTV rất khó. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, nhằm khuyến cáo, tuyên truyền cho người dân về tác hại của thuốc BVTV.

Tuy nhiên, nhiều người dân hiện nay vẫn chủ quan, xem nhẹ tác hại của thuốc BVTV với sức khỏe con người, nên vẫn thường xuyên sử dụng thuốc trong sản xuất nông nghiệp. “Doanh nghiệp cần chủ động triển khai, liên kết với người dân trong thực hiện các mô hình sản xuất theo quy trình nông sản sạch, an toàn và tổ chức tiêu thụ theo chuỗi hệ thống nông sản sạch”, ông Thanh nói.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều phương án sản xuất an toàn, theo hướng giảm thiểu lượng thuốc BVTV trong trồng trọt, như áp dụng bẫy chua ngọt, dùng giấy bao trái khổ qua... Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ mới dừng lại ở mô hình, chưa nhân rộng trên các cánh đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Do - Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), để sản xuất an toàn cần có quy trình chặt chẽ từ khâu nguyên liệu, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Nhưng hiện nay, nông dân phần lớn là người già, quá tuổi lao động, nên khó áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Để nâng cao chất lượng nông sản, cần thu hút người trẻ, có trình độ và trách nhiệm tham gia vào quy trình sản xuất nông nghiệp.

Ông Do cho rằng, để thay đổi thói quen canh tác cho người dân, ngoài tuyên truyền, tập huấn, cần tăng cường các mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, để người dân nhận thấy hiệu quả thực tế. Các vùng sản xuất rau chuyên canh cần chuyển sang sử dụng thuốc sinh học thay thế thuốc hóa học, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường của chính gia đình mình.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.