(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, giá thu mua mía xuống thấp khiến người trồng mía thua lỗ. Trước thực tế đó, nhiều hộ trồng mía đã chuyển sang trồng một số cây hoa màu khác.
TIN LIÊN QUAN
Quay lưng với mía
Sau nhiều năm gắn bó với cây mía, ông Lê Quang Long, ở thôn Phước Tích, xã Bình Mỹ (Bình Sơn) đã chuyển gần 1ha đất trồng mía sang trồng mì, bắp, bí... Ông Long chia sẻ: “Vụ vừa qua, giá mía chỉ còn 750.000 đồng/tấn, trong khi giá nhân công, xe vận chuyển cao hơn năm trước, nên hầu như người trồng mía đều bị thua lỗ. Tôi còn phải bù thêm 1 triệu đồng để trả chi phí đầu tư cho nhà máy. Vì thế, nay tôi quyết định chuyển sang trồng một số cây hoa màu khác có lợi hơn”.
Nhiều diện tích mía ở Bình Mỹ (Bình Sơn) đã chuyển sang trồng mì và hoa màu khác. |
Vụ mía 2017 – 2018, ông Lê Văn Thơm, ở xã Bình Mỹ nhận đầu tư của Nhà máy đường Phổ Phong trên 3 triệu đồng, bao gồm mía giống, phân bón. Thế nhưng, dù 5 sào mía đã quá ngày thu hoạch mà nhà máy vẫn chưa thu mua. Để vớt vát, ông Thơm đành bán cho thương lái mua ép nước được 2,5 triệu đồng.
Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Mỹ Phạm Đức Thảo, toàn xã Bình Mỹ có trên 60ha đất trồng mía, nhưng do giá mía xuống thấp, nên người dân đã phá bỏ khoảng một nửa diện tích và chuyển đổi cây trồng.
Còn ở Đức Phổ, địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh, với trên 600ha, nhưng nhiều nông dân cũng "nói lời chia tay" với mía. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Nguyễn Tấn Lái cho biết: “Hiện chưa thể thống kê được bao nhiêu diện tích mía chuyển sang trồng cây hoa màu khác trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, số hộ từ bỏ cây mía để tìm hướng đi khác không phải là ít. Điều này cũng dễ hiểu, vì cây mía đầu tư lớn, công chăm sóc nhiều, thời gian thu hoạch lâu, nhưng với giá mía như thời gian qua thì người trồng mía không thể có lãi”.
Lối đi nào cho cây mía
Những năm qua, việc liên kết sản xuất giữa nông dân với Nhà máy Đường Phổ Phong cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, theo nông dân, giá đầu tư ban đầu như ngọn mía giống còn quá cao, trong khi đó, đến kỳ thu hoạch, nhà máy lại không thu mua kịp thời, khiến mía bị sụt giảm năng suất, chữ đường... dẫn đến giá thu mua giảm theo. Điều này khiến nông dân trồng mía đã gặp khó lại càng thêm khó hơn.
Trước những khó khăn của cây mía, người dân đã chuyển đổi sang cây trồng khác đem lại lợi nhuận cao hơn. Song không phải vùng đất nào nông dân cũng chuyển đổi sang cây trồng khác được. Vì vậy, tìm hướng đi ổn định cho cây mía vẫn là bài toán khó của chính quyền và ngành chức năng.
Nhằm hình thành vùng sản xuất mía tập trung, chuyên canh trên cơ sở đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu giai đoạn 2016 – 2025.Theo đó, tổng diện tích quy hoạch vùng mía nguyên liệu tập trung đến năm 2025 là 4.400ha, được bố trí trên địa bàn 54 xã thuộc 8 huyện, gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà và Ba Tơ.
Định hướng quy hoạch là thế, nhưng nếu không có sự gắn kết giữa 4 nhà trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm thì ngày càng có nhiều nông dân quay lưng với cây mía. Muốn phát triển vùng mía, doanh nghiệp phải vào cuộc, chấp nhận đầu tư, hỗ trợ và đặt hàng để nông dân yên tâm sản xuất; còn Nhà nước và nhà khoa học phải hỗ trợ bằng nhiều cách trong chuỗi liên kết giữa “nông dân với doanh nghiệp”… Có như vậy đầu ra cho cây mía nói riêng và nông sản nói chung mới bền vững.
Bài, ảnh: HỒNG HOA