(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều ngư dân vẫn sử dụng các loại ngư lưới cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản, khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng suy giảm.
Trong khi nghề lưới kéo (còn gọi là giã cào) vẫn chưa được kiểm soát, thì hiện nay nghề trũ mùng và lờ dây lại phát triển. Theo phản ánh của ngư dân, tuy không khai thác tận đáy biển như giã cào, nhưng trũ mùng và lờ dây lại khai thác được cả... trứng cá! “Kích thước mắt lưới hành nghề trũ mùng, lờ dây rất nhỏ, đến mức khi kéo lưới, nước cũng khó chảy thì làm sao các loại thủy sản lọt được”, ngư dân D.V.R, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.
Sử dụng ngư lưới cụ không đúng quy chuẩn kỹ thuật để khai thác, khiến nguồn lợi thủy sản gần bờ giảm mạnh. ẢNH: M.H |
Thực tế, trũ mùng, lờ dây thường được ngư dân sử dụng để khai thác cá cơm, tôm nhí. Tuy nhiên, vì kích thước mắt lưới quá nhỏ, nên ngoài cá cơm, tôm nhí, nhiều loại hải sản còn nhỏ cũng mắc lưới, nhất là cá trích con.
Việc sử dụng các loại ngư lưới cụ có kích thước mắt lưới không phù hợp là một trong những nguyên nhân chính làm cho hệ sinh thái và đa dạng sinh học vùng bờ suy giảm nghiêm trọng. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, dù tổng sản lượng khai thác thuỷ sản hằng năm tăng, nhưng chất lượng không tăng. Đặc biệt là, những loại thủy sản ven bờ có giá trị kinh tế cao như cá trích, tôm hùm, mực... giảm mạnh, chiếm chưa đến 30% mỗi mẻ cá.
Ngư dân đánh bắt gần bờ cũng thừa nhận, khai thác thủy sản bằng trũ mùng hay lờ dây, lượng cá tạp thu được khá lớn. Biết vậy, nhưng nhiều ngư dân cho rằng, họ không thể làm khác hơn. “Đánh bắt ven bờ, nên được gì thu nấy, chứ chúng tôi đâu có điều kiện để sắm ngư lưới cụ phù hợp với từng loại thủy sản được”, ngư dân N.T.C, ở xã Bình Châu lý giải.
Về phía đơn vị quản lý, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, hầu hết ngư dân trong tỉnh hành nghề trũ mùng ở vùng biển Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) và Bình Châu (Bình Sơn). Đó là chưa kể đến mùa khai thác cá cơm và tôm nhí, nhiều ngư dân tỉnh Khánh Hòa cũng tập trung về khu vực biển Lý Sơn để đánh bắt.
Chính vì vậy, việc kiểm soát và quản lý gặp rất nhiều khó khăn, vì Chi cục Thủy sản không đủ nguồn nhân lực, còn chế tài xử lý thì chung chung. “Trũ mùng và lờ dây là loại ngư lưới cụ không có gút, nên không thể xác định cụ thể kích thước mắt lưới để làm cơ sở xử lý. Vì vậy, chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền để ngư dân sử dụng ngư lưới cụ có kích thước mắt lưới đúng quy định”, Phó trưởng Phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Minh Tú cho biết.
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân, ngành chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng ngư lưới cụ không đúng quy chuẩn kỹ thuật để khai thác, đánh bắt.
MỸ HOA