(Baoquangngai.vn)- Dù chỉ cách tuyến kênh chính Thạch Nham chừng vài trăm mét, nhưng hơn 80ha lúa, hoa màu tại cánh đồng Thuận Yên, thôn Diên Lộc, xã Bình Tân (Bình Sơn) lại không được thụ hưởng nguồn nước Thạch Nam, khiến đời sống bà con nông dân lâm vào cảnh mùa màng thất bát, thực tế này đã tồn tại nhiều năm nay.
Vẫn phải canh tác nhờ nước trời
Những ngày cuối tháng năm, trong khi nhiều địa phương khác trong tỉnh đang tất bật xuống giống vụ hè thu, thì nhiều chân ruộng tại cánh đồng Thuận Yên vẫn chưa tiến hành canh tác, tức là chủ ruộng bỏ hoang vụ này.
Để cặp bò vô tư lội trên mấy đám ruộng còn lô nhô gốc rạ để gặm những đám cỏ úa vàng dọc các bờ ruộng, anh Dũng buồn rầu bảo: “Nhà tôi có 4 sào ruộng mà có sản xuất được đâu. Lâu nay hệ thống kênh mương nội đồng chưa được đầu tư xây dựng nên hàng chục năm qua nguồn nước tưới cho ruộng đồng phải phụ thuộc nước trời qua những ao, hồ người dân tự đào.
Vụ đông xuân, nhờ trời dịu mát, lại thường xuyên xuất hiện những đợt mưa nên tranh thủ sạ giống để kiếm hạt gạo. Còn hè thu, năm nào người dân cũng mất trắng vì thiếu nước tưới, phải vớt vát cắt về cho bò ăn”.
Đầu mùa khô, đã thiếu nước, nhiều chân ruộng nứt nẻ. |
Khi chúng tôi hỏi sao không chuyển số diện tích đất lúa đó sang sản xuất các loại cây trồng cạn có khả năng chịu hạn thì anh Dũng chậc lưỡi: “Bỏ ruộng hoang hoài cũng chán, nên đã không ít lần mua hạt giống bắp lai và đậu phụng về trồng trên 4 sào ruộng lúa trong vụ hè thu. Thời gian đầu, đất còn ẩm ướt nên hạt giống nẩy mầm lên xanh. Thế nhưng, một thời gian sau, nắng nóng kéo dài, nước tưới không có giọt nào khiến ruộng bắp và đậu non bị héo úa hàng loạt rồi chết trụi hết”.
Ông Đặng Ngọc Thanh (50 tuổi) đang lom khom kéo ống dẫn nước từ dưới ao về tưới cho 7 sào ruộng mới gieo sạ gần đó cũng nhăn mặt lo lắng. Bởi lẽ, ông không biết những nỗ lực của ông cũng như nhiều hộ dân nơi đây có duy trì được đến mùa gặt; trong khi nước trong những giếng, ao lân cận cánh đồng đều đã cạn nước.
Ông Đỗ Văn Sĩ - Xóm trưởng Thuận Yên xót xa trước những đồng ruộng bỏ hoang. |
Ông Đỗ Văn Sĩ, Xóm trưởng Thuận Yên cho biết, cánh đồng Thuận Yên có tổng diện tích trên 80ha, trong đó hơn 40ha trồng lúa, còn lại chuyên canh hoa màu. Đây là sinh kế của hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu thôn Diên Lộc.
Từ lâu, không có hệ thống kênh mương nội đồng, nông dân phải canh tác nhờ nước trời. Nông dân chỉ sản xuất được một vụ trong năm. Gặt xong vụ đông xuân, nhiều người dân bỏ hoang ruộng cho cây cỏ mọc dại, thậm chí không ít người đã phải tranh thủ vào Nam làm thuê kiếm sống.
Mong chờ một trạm bơm
Theo nhiều người dân cho biết thì trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, bà con đã đưa ra giải pháp là đầu tư một trạm bơm ở khu vực Truông Ngang để đưa nước về cánh đồng Thuận Yên. Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua, sự mong mỏi của bà con vẫn chưa được đáp ứng.
Ông Đào Duy Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân cho biết, lâu nay do không có kênh dẫn nước từ kênh Thạch Nham về nên toàn bộ cánh đồng Thuận Yên phải canh tác bằng nước trời. Tuy nhiên, vào mùa khô lượng nước trong những ao, hồ do người dân tự đào không đảm bảo, khiến diện tích ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều.
Cũng theo ông Dương, địa phương đã nhiều lần kiến nghị là để giải quyết dứt điểm tình trạng này là phải đầu tư xây dựng trạm bơm Truông Ngang để đưa nước về đồng nhưng đến nay cấp trên vẫn chưa có câu trả lời. Về phía địa phương thì không đủ nguồn lực để thực hiện.
Ông Đào Văn Dũng, nông dân ở xóm Thuận Yên cho biết, mấy năm trước trồng lúa vụ hè, nhưng do thiếu nước nên lúa bị cháy, lép, lỗ vốn. Vì vậy, 2 năm nay gia đình ông không sản xuất nữa đành để đất trống vào Nam làm thuê. Ông Dũng và bà con nơi đây mong Nhà nước đầu tư trạm bơm để phục vụ canh tác thì nông dân sẽ bớt khổ.
Bài, ảnh: P.TIÊN