(Báo Quảng Ngãi)- Qua 2 năm thực hiện Kết luận 18 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, giai đoạn 2016 -2020, công nghiệp Quảng Ngãi đã có bước chuyển biến đáng kể. Tỷ trọng công nghiệp gia tăng, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Quảng Ngãi là tỉnh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển. Ngoài KKT Dung Quất, tỉnh còn có 4 KCN tập trung và 15 cụm công nghiệp, làng nghề. Phát huy lợi thế này, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động. Tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước.
Dự án Thép Hòa Phát Dung Quất được triển khai sẽ góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. |
Xác định phát triển công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, liên tiếp trong 2 nhiệm kỳ, Huyện ủy Đức Phổ đã ban hành chương trình hành động, kết luận cụ thể, với mục tiêu phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong cơ cấu ngành kinh tế của huyện lên 45%. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dựa trên thế mạnh và lực lượng lao động của địa phương.
Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng lên 60% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó, công nghiệp chiếm 56-57%; tỷ lệ lao động công nghiệp-xây dựng trong tổng lao động của tỉnh chiếm 32%. |
Nhờ đó, năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng gần 20%. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 4 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 38ha. Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp hiện đạt trên 85%, với 17 dự án đi vào hoạt động, giải quyết cho gần 1.000 lao động ở địa phương. Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý cho biết: Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, huyện luôn tạo các cơ chế thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính.
Là cơ quan tham mưu, thực hiện các chủ trương của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp, ngành công thương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Năm 2017, tỉnh có 102 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký trên 70 nghìn tỷ đồng và 14 dự án FDI, với vốn đăng ký 295 triệu USD được cấp phép đầu tư. Nhiều nhà máy quy mô lớn, công nghệ thiết bị hiện đại được đầu tư, đi vào hoạt động. Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng và chất lượng, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước.
Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm tăng bình quân từ 6-7%. Tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn luôn chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt là, sự triển khai các dự án lớn như: Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, Dự án thép Hòa Phát Dung Quất, Khu Công nghiệp - Đô thị Dung Quất, KCN VSIP Quảng Ngãi... đã và đang tạo động lực mới cho sự phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của tỉnh.
Công nhân làm việc tại Công ty South Sea Leatherwes, KCN VSIP Quảng Ngãi. |
Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền cho biết: Phát triển công nghiệp đã góp phần quan trọng, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Năm 2017, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt gần 102.500 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp –xây dựng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh chiếm 52,6%. Đây là những con số khá ấn tượng, tạo động lực để hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh việc bám sát định hướng phát triển công nghiệp từ nay đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển những sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trên thị trường trong quá trình phát triển và hội nhập.
Bài, ảnh: THANH THUẬN