Mùa vàng trên những cánh đồng

08:05, 07/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ lúa đông xuân 2017 – 2018, nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân sử dụng cơ cấu giống hợp lý, sâu bệnh ít gây hại, nên nhiều cánh đồng đạt năng suất cao.

Niềm vui nhân đôi

Nhìn cánh đồng lúa chín vàng óng trải đều, nặng trĩu hạt, lão nông Đặng Niên, ở thôn An Đại 1, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) vui mừng nói: “Hơn 30 năm làm ruộng thì đây là vụ mùa tôi ưng ý nhất, vì đạt năng suất cao. Kết quả này là nhờ dồn điền đổi thửa và không thiếu nước tưới”. Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương Nguyễn Thị Lai cho biết, vụ này nông dân gieo sạ giống lúa TBR225 trên cánh đồng dồn điền đổi thửa, với diện tích hơn 25ha, ước đạt 72 tạ/ha, cao hơn các giống phổ thông.

Lúa VietGAP được Công ty TNHH TBT thu mua ngay tại ruộng.         Ảnh:  MỸ HOA
Lúa VietGAP được Công ty TNHH TBT thu mua ngay tại ruộng. Ảnh: MỸ HOA


Còn bà Nguyễn Thị Hảo, ở thôn 1, xã Đức Chánh (Mộ Đức) thì gieo sạ giống lúa Qng13. Đây là giống lúa sinh trưởng tốt, cây lúa cao, cứng, chống rầy nâu và bệnh đạo ôn tốt, ít lép. Bà Hảo cho biết: “Tôi thu hoạch đến 10 bao/sào và được thương lái mua với giá 6.000đồng/kg lúa tươi”. Theo nông dân huyện Mộ Đức, các giống Qng128, Qng13 và Qng6 đều ít sâu bệnh, cây cứng, không đổ ngã nên được đưa vào sản xuất đại trà. Vì thế, bà Nguyễn Thị Phương, ở xã Đức Chánh đã chọn cả ba giống lúa này đưa vào gieo sạ trên 10 sào ruộng. Theo bà Phương, các giống lúa này đều cho năng suất cao, cơm thơm ngon.
 

“Trước khi tiến hành sản xuất lúa VietGAP, Công ty TNHH TBT phối hợp với Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.Hồ Chí Minh tập huấn quy trình kỹ thuật và cấp chứng chỉ cho các hộ tham gia; kiểm tra mẫu đất, nước tưới tại vùng sản xuất. Quá trình sản xuất có cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi và lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu chất lượng của gạo. Hiện công ty đã hoàn thiện hồ sơ và đợi tổ chức đánh giá, cấp chứng nhận gạo VietGAP”.
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH TBT PHẠM VĂN THI

Hiệu quả từ lúa VietGAP

“Hồi trước, tôi làm lúa theo kinh nghiệm, chỉ chú ý đến năng suất. Nhưng từ khi sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, tôi quan tâm nhiều đến chất lượng”, ông Trần Như Sáu, ở thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) cho biết. Để đạt tiêu chuẩn VietGAP, ngoài việc gieo sạ đúng giống và đủ lượng, ông Sáu còn phải sử dụng phân bón hữu cơ và tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, quá trình sản xuất, ông Sáu cũng phải thực hiện ghi chép đầy đủ việc mua và sử dụng vật tư.

Theo chia sẻ của xã viên HTX nông nghiệp 1, 2 Đức Thạnh (Mộ Đức), quy trình sản xuất lúa VietGAP nghiêm ngặt, nên lúc đầu, rất ít nông dân tham gia. Tuy nhiên, sau khi được địa phương và Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT cam kết đồng hành với nông dân, nên bà con đồng ý tham gia. Sản xuất lúa theo quy trình VietGAP không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mà còn giúp nông dân giảm 30-35% chi phí, nhưng hiệu quả kinh tế thì tăng 40-45%. “Lợi nhuận tăng là nhờ năng suất cao, doanh nghiệp đảm nhận việc thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo hình thức giá một ký lúa tươi bằng một ký lúa khô”, ông Sáu chia sẻ.

Ngoài cánh đồng Điền Trang và Rộc Tròn, hiện nay nông dân xã Đức Thạnh đã đề nghị Công ty TNHH TBT mở rộng diện tích sản xuất lúa VietGAP. Vì thế, vụ hè thu 2018, công ty dự kiến sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa VietGAP từ 40ha lên 100ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân cho biết, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nông dân chuyển sản xuất từ kinh nghiệm sang khoa học, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cả người sản xuất và tiêu thụ, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo định hướng của tỉnh và huyện.  


B.HÒA-M.HOA

 


.