(Báo Quảng Ngãi)- Xã Long Sơn (Minh Long) có gần 80% hộ là đồng bào dân tộc Hrê sinh sống, thu nhập chủ yếu dựa vào cây keo. Để từng bước giảm nghèo nhanh, bền vững và nâng cao đời sống, địa phương đã tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có phát triển cây ăn quả.
Đến với xã Long Sơn mùa này, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước những vườn bưởi da xanh, mít Thái trĩu cành. Từ những vườn tạp, trồng keo không hiệu quả, người dân ở đây đã chuyển sang trồng cây ăn quả, góp phần cải thiện đời sống. Ông Đinh Văn Tiến, ở thôn Biều Qua là một trong những hộ tiên phong trồng cây ăn quả với hơn chục cây bưởi da xanh, chôm chôm kể: "Với 4 cây bưởi da xanh, trung bình mỗi năm tôi bán hơn 500 trái, thu về gần 20 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng mì, keo".
Vườn cây ăn quả của chị Lê Thị Sinh ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn (Minh Long) |
Không chỉ có ông Tiến, ở thôn Biều Qua còn có vài chục hộ gia đình cũng trồng bưởi da xanh. Còn ở thôn Sơn Châu thì người dân trồng cây mít Thái. Chị Lê Thị Sinh trồng gần 10 cây mít và đã cho thu hoạch hai năm nay cho biết: "Tôi nhờ người quen mua giống trong miền Nam về trồng thử gần chục cây, không ngờ cây phát triển tốt và cho nhiều quả. Trồng loại cây này không tốn công chăm sóc, đầu tư ít, nhưng cho hiệu quả kinh tế cao".
Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn Võ Văn Gấm cho biết thêm, xã có 3/9 thôn trồng cây ăn quả, với diện tích hơn 3ha. Năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện Minh Long đầu tư 1ha chôm chôm, bưởi da xanh. Đến nay, các loại cây này đang sinh trưởng tốt, vài năm nữa sẽ cho thu hoạch. Ông Đinh Văn Tiến là người trồng 60 cây bưởi da xanh, 40 cây chôm chôm do Trạm Khuyến nông đầu tư chia sẻ, từ mô hình này mà nhiều hộ dân trong xã đã tự bỏ vốn đầu tư trồng cây ăn quả.
Được biết, năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Minh Long tiếp tục đầu tư thêm 1ha mít Thái và hỗ trợ người dân khảo sát vùng đất, kỹ thuật trồng để từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: HIỀN THU