(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi Nghị định 67(NĐ) kết thúc, Chính phủ tiếp tục ban hành NĐ 17 đã giúp các hợp đồng "tàu 67" được ký trước đó nhanh chóng được giải ngân với lãi suất ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của ngư dân ngay trong những tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít ngư dân băn khoăn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hỗ trợ kịp thời
Những ngày qua, ông Lê Văn Muội, ở thôn Tân An, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) gấp rút hoàn thành nội thất của con tàu mang số hiệu QNg 92607 TS, để kịp ra khơi chuyến biển đầu tiên. Đây là con tàu vỏ gỗ được ông Muội vay vốn của Agribank-Chi nhánh Tư Nghĩa đóng mới theo NĐ 67 của Chính phủ.
Tàu của ngư dân Lê Văn Muội, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) được giải ngân đóng mới theo Nghị định 17. |
Ông Muội chia sẻ: “Tôi đã ký hợp đồng đóng con tàu này vào cuối năm 2017, với tổng số tiền cam kết cho vay 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi ngân hàng giải ngân được một nửa, thì NĐ 67 kết thúc, khiến tôi rất lo lắng. May mà Chính phủ tiếp tục ban hành NĐ 17, nên tôi tiếp tục được vay vốn, với lãi suất ưu đãi, để hoàn thành con tàu”.
Ngư dân Trương Quang Dậy, ở xã Nghĩa An cũng sắp được Agribank-Chi nhánh Tư Nghĩa giải ngân 2,8 tỷ đồng, để đóng mới tàu cá. “Lúc ký hợp đồng, tôi cũng lo lắng, cứ sợ chính sách vay vốn ưu đãi đóng mới tàu cá sẽ không được triển khai nữa. Bây giờ thì vui rồi. Sau khi hoàn thành chiếc tàu mới này, tôi sẽ bán lại chiếc tàu cũ cho người khác. Đầu tư máy đôi cho chiếc tàu mới, với 750 mã lực, để an tâm vươn khơi đánh bắt dài ngày ở các ngư trường truyền thống”, ông Dậy bày tỏ.
Kể từ khi NĐ 17 có hiệu lực thi hành, Agribank Quảng Ngãi đã giải ngân cho 4 tàu cá vỏ gỗ, với tổng số tiền cam kết cho vay gần 11 tỷ đồng. Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Nguyễn Thiên Phiến cho biết: “Tính đến nay, Agribank Quảng Ngãi đã cho vay đóng mới 10 tàu cá theo NĐ 67. Trong đó, có 3 chiếc vỏ thép và 7 chiếc vỏ gỗ, với tổng dư nợ 122 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Chính phủ triển khai NĐ 17 về sửa đổi, bổ sung NĐ 67, Agribank Quảng Ngãi đã nhanh chóng giải ngân cho một số tàu cá đã ký hợp đồng vào thời điểm cuối năm 2017, nhưng chưa được giải ngân. Nếu Chính phủ không ban hành NĐ 17, các hợp đồng này phải chịu mức lãi suất thương mại như đã thỏa thuận”.
Vẫn còn những băn khoăn
Theo NĐ 17, những hợp đồng đã ký trong năm 2017 sẽ tiếp tục được giải ngân trong năm 2018. Còn với những hợp đồng cho vay đóng tàu mới, thay vì được hỗ trợ lãi suất như trước đây, NĐ 17 thực hiện theo cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư.
Quy định mới này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số ngư dân cho rằng, việc hỗ trợ một lần sau đầu tư sẽ giúp họ độc lập trong làm ăn, không còn phụ thuộc vào ngân hàng. Song đối với những ngư dân “yếu tiềm lực” băn khoăn cho rằng, việc Nhà nước hỗ trợ một lần sau đầu tư sẽ ít có ngư dân đáp ứng được điều kiện. Bởi phần lớn ngư dân muốn đóng tàu công suất lớn đều phải vay vốn của ngân hàng. Nếu thực hiện như trước đây, ngân hàng sẽ giải ngân theo tiến độ, như thế ngư dân giảm được áp lực về vốn. Còn ngược lại, sau khi bỏ vốn ra đóng xong con tàu, chủ tàu phải hoàn thành các thủ tục rồi mới được Nhà nước hỗ trợ, thì khả năng tài chính của ngư dân không đảm bảo.
Điều đáng nói là, theo NĐ 17, tàu được hỗ trợ một lần sau đầu tư chỉ dành cho tàu vỏ thép, hoặc tàu composite có công suất từ 800CV trở lên. Trong khi đó, đối với ngư dân Quảng Ngãi, phần lớn muốn đóng tàu vỏ gỗ công suất lớn. Như vậy, với quy định mới này rất ít ngư dân Quảng Ngãi đáp ứng được.
Bài, ảnh: HỒNG HOA